- Khắp cả nước chỉ có cà phê cóc, có nghĩa là quán cà phê chiếm lòng đường, ở trước một cơ quan nào đó, bán buổi sáng, tan buổi trưa với các bộ bàn ghế nhựa mà khách có thể ngồi uống cà phê. Ở Sài Gòn lại có cà phê bụi, hay mọi người còn gọi là cà phê bệt (ngồi bệt xuống bất cứ chỗ nào).
Ngay trên đường Phạm Ngũ Lão, nơi mệnh danh là phố Tây của Sài Gòn, cà phê bụi xuất hiện trên cả chục quán để phục vụ các ông Tây balô. Quen mắt mới nhận ra quán cà phê bụi với cách buôn bán... như bụi.
Ngay cháng ba cây làm đẹp đường phố là bọc nhựa treo đủ thứ như bao nhựa, các chai chứa sẵn nước trà pha từ nhà, thậm chí treo cả ống hút và mấy loại nước uống. Khách cần chỉ việc gỡ bao xuống tự phục vụ. Có quán chỉ vỏn vẹn một thùng xốp và một túi xách đủ để phục vụ nhu cầu cà phê, thuốc lá cho cả khu vực.
Anh Tâm, năm nay chừng 27 tuổi, người Sài Gòn chính hiệu, “chiếm cứ” một gốc cây trên đường Lê Lai, cho biết quán cà phê bụi của anh có tới bốn người chăm sóc gồm mẹ anh, em gái, vợ và anh. Cả nhà chen nhau trong một căn phòng chừng 15m2 của một khu tập thể đã cũ trong một con hẻm ba cái xuyệc ở quận 3.
Anh Tâm cho biết cà phê và trà pha sẵn ở nhà, hết là gọi điện thoại đem ra. Đá thì sắp hết lại xách xe đi mua. Nói chung là quán cà phê bụi của anh chẳng bao giờ hết hàng, chỉ sợ hết khách. Cả nhà cứ chia ca từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau như thế. Chỉ vỏn vẹn trên 1,5m2 đất của góc phố Sài Gòn đã hình thành một cuộc mưu sinh. Quán cũng có bốn chiếc ghế nhựa nho nhỏ, khách gọi cà phê, đưa chiếc ghế khách ngồi ở góc nào đó mà thưởng thức hương vị cà phê bụi.
Ngồi ở quán anh Tâm nhiều lần, tôi thấy có khi quán cà phê bụi của anh thành nơi giữ trẻ, vì hai đứa con nhỏ ở nhà buồn thế là anh chở con ra cùng ở lề đường bán cà phê bụi với mình cho vui.
Ở quán anh Tâm và nhiều quán cà phê bụi khác tại Sài Gòn, giá một ly cà phê đen đá là 6.000 đồng, cà phê sữa đá là 7.000 đồng. Khách uống trà thoải mái. Có ông cụ sáng sáng chống gậy đi vòng phố phường, ghé quán xin một ly trà đá.
Anh Tâm rót trà đá mời ông cụ, rồi cười: “Sáng nào cũng vậy, đi mệt là ông khát, tới đây uống nước miễn phí”. Hay anh Hoàng, chừng 25 tuổi, chạy xe ôm đón khách gần đó thành khách uống ký sổ buổi sáng. Anh Hoàng nói: “Khách quen mà, lát chạy có tiền tui quay lại trả”. Chuyện nợ nần ở một quán bụi như thế cũng đã thành hình.
Trong năm ngày ngồi ở quán bụi của anh Tâm, tôi thấy một ông khách Tây cũng uống cà phê, uống trà đá, cầm chiếc máy ảnh rồi chuyển sang máy quay phim say mê quay cảnh anh Tâm bán cà phê. Ông bảo: “Tôi đi khắp nơi rồi, chưa thấy kiểu bán thức uống nào độc đáo như thế này”. Độc đáo hơn nữa là dù bán cà phê bụi nhưng tinh ý thì thấy bàn thờ ông địa cũng được mang theo, bán ở đâu đem ra đặt ở đó để... cúng vái.
Còn quán bà Bảy bán trên đường Pasteur chiếm một góc rất nhỏ của bờ tường, mọi thứ được treo như thể đây là một quán cà phê... treo. Buổi sáng đông khách gồm cán bộ công nhân viên, sinh viên quen mặt. Họ gọi cà phê hoặc thứ nước uống gì đó, bà cứ bỏ vào ly nhựa cho khỏi mất công rửa... Rồi có vài chiếc ghế cứ cầm kiếm chỗ thuận tiện mà ngồi.
Bà nói ngày xưa là cà phê cóc, rồi lần lần việc bán cà phê cóc làm kém mỹ quan đô thị, bị nghiêm cấm nên chuyển từ cóc.. thành bụi. Hai vợ chồng anh Hoàng ở tận Tân Bình thì bán cà phê ngay trên chiếc xe máy. Chở tới nơi có sự kiện như hội họp, đăng ký thuế, nộp đơn xin việc là thả... quán cà phê bụi xuống mà bán. Khách vãn, quán cà phê được đưa lên xe máy đến nơi khác.
Còn bà Tám bán ngay phố Phạm Ngũ Lão thì một thân một mình, thỉnh thoảng bà gọi điện về bảo con đem thêm hàng hóa, buổi tối bà ngủ luôn trên chiếc ghế xếp. Bà bảo: “Ngủ ghế, ngủ đường quen rồi”.
Sài Gòn - TP.HCM, thành phố công nghiệp, năng động ấy đang giữ thêm trong lòng mình một loại hình kinh doanh lạ - cà phê bụi. Lạ hơn là cà phê bụi ấy phục vụ luôn 24 giờ mỗi ngày.