View Single Post
Old 01-29-2010, 02:51 PM   #4
duyniceboy
Super Moderator
 
duyniceboy's Avatar
 
Tham gia: May 2010
Đến từ: HCM
Bài gửi: 1,804
Default

CHƯƠNG 3

Năm 1928 thật là một năm khủng khiếp! Thay vì lời chúc phước của cha, Vanga nhận được từ Xtrumitse bức thư làm cô tan nát cõi lòng. Cha cô viết rằng cô phải lập tức quay về nhà để trông nom các em. Hai năm trước, mẹ kế cô sinh thêm một em gái và vừa qua đã mất khi sinh nở đứa con thứ tư.

Thế là Vanga đã phải vĩnh biệt mối tình đầu, vĩnh biệt trường học và cuộc sống ít nhiều hạnh phúc. Đường trở về nhà là thật buồn thảm. Cô biết rằng ba năm ở trại người mù là những năm tháng đẹp nhất trong đời cô.

Từ đó trở đi cuộc đời Vanga là một chuỗi dài những đau khổ mà không phải những người sáng mắt cũng chịu đựng nổi. Thật lạ lùng: Vanga đã vững vàng, như có sức mạnh tiềm ần trong tâm hồn đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn.

Vanga trở về trong tình cảnh bần cùng của gia đình. Mấy đứa trẻ bẩn thỉu và luôn đau ốm vì đói ăn. Em trai Vaxin 6 tuổi. Tôme 4 tuổi, còn em gái út Liupka mới 2 tuổi. Và cô gái mù có sứ mệnh giúp phải là tất cả đối với chúng: là mẹ, là chị, là người chăm sóc, bảo vệ. Vanga vừa trở về là Panđe đã phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi các con.

Trớ trêu là cuộc đời hay thử thách, trước hết là những người nghèo. Trận động đất năm 1929 ảnh hưởng đến cả vùng Xtrumitse. Ngôi nhà mà gia đình Vanga sống sụp đổ. Cha cô thu nhặt các mảnh vụn dựng nên một căn lều vách đất và một gian bếp nhỏ để có thể nướng bánh mì khi gia đình có bột. Vanga cố gắng thu xếp căn lếu gọn gàng và ấm cúng. Cô cùng Liupka sống những năm dài trong căn lều này. Các em trai của Vanga mặc dù còn bé nhưng cũng lang thang suốt ở các làng mạc để làm thuê hoặc chăn cừu thuê kiếm miếng ăn cho gia đình.

Những người chung quanh dần dần nghe nói rằng cô gái mù biết đan đẹp và nhanh. Họ mang len đến thuê cô đan. Họ trả công bằng các đồ vật nhỏ hoặc cuộn len cũ. Từ giẻ thừa, vải cũ, Vanga may quần áo cho các em. Cô hầu như chẳng bao giờ ra khỏi nhà. Ai cũng biết cái nghèo khủng khiếp của họ. Trong vùng, hễ có người đàn bà nào chết, người ta lại cho Vanga quần áo của người đó. Buổi sáng, Vanga dậy rất sớm. Công việc nhà cửa rất ngiều, Vanga không thích rỗi rãi chân tay và cũng không cho phép ai được ăn không ngồi rồi. Liupka mặc dù còn bé nhưng biết may vá. Vanga dạy cô bé làm các công việc gia đình khác và tỏ ra là một cô giáo nghiêm khắc.

Ở Xtrumitse có một phong tục thú vị: Buổi tối trước ngày lễ thánh Gheocghi (ngày 6 tháng 5), các cô gái bỏ vào cái vỏ sành đựng rượu một vật đánh dấu đặc biệt thì ngày hôm sau nhìn vào đó có thể đoán được hạnh phúc của mình. Các cô gái hàng xóm thường đặt vò trong sân nhà Vanga dưới một khóm hoa hồng già. Có thể là sự thông cảm với cô gái mù, họ thường chọn Vanga làm người đoán cho họ. Sáng hôm sau, Vanga lấy các vật làm dấu ra và “kể” cho các cô gái số phận của họ. Những lời tiên đoán của Vanga hay nghiệm nhưng lúc đó chẳng ai nghĩ Vanga sẽ có tài tiên tri.

Có một ngày lễ nữa là ngày 40 vị Thánh tử vì đạo, các cô gái cũng bói: họ đặt những cành cây bắt ngang con suối làm cầu và tin rằng đến đêm sẽ nhìn thấy người chồng tương lai trong giấc mơ đang đi qua cây cầu của mình. Buổi sáng, các cô gái đến gặp Vanga để nghe cô kể lại cho họ nội dung những giấc mơ của họ. Điều đó nghe rất lạ lùng nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện tìm lời Giải thích: cho những “phép lạ” đó cả.

Nhưng những phút vui trong gia đình Vanga rất ít. Họ thường bị đói. Lương thực thường xuyên của họ là bắp cải dại, bột ngô và nếu may thì có sữa chua.

Nếu con cái có đòi Panđe mua gì đó, ông chỉ hứa: “Khi nào bán được anh đào, bố sẽ mua”. Nhưng trong sân nhà họ chẳng có một gốc anh đào nào cả.

Mỗi mùa xuân họ trồng một vạt thuốc lá. Khi lá thuốc già, họ hái, cuộn, thái phơi khô rồi bán. Nhưng tổ hợp thuốc lá trả cho họ ít tiền đến mức họ chỉ đủ để mua một cái “vò sành mới”. Cái cũ đã nứt rạn đến mức không thể dùng được nữa.

Năm 1934, Liupka bắt đầu đi học. Liupka học giỏi. Vanga rất vui sướng vì cô cũng từng được học tập ở trại. Mấy em trai thì kiên quyết không chịu đi học. Tại Xtrumitse có một câu lạc bộ quốc tế ngữ tập hợp hầu như tất cả các trẻ em nhà nghèo. Cả Vaxin lẫn Tome đều ghi tên và đến câu lạc bộ đều đặn như đi học quốc tế ngữ. Họ thường bắt Liupka mang những gói nhỏ chuyển đến nhiều địa điểm trong thành phố. Một thời gian sau mới vỡ lẽ là ở câu lạc bộ người ta nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Hai con trai của người chiến sĩ du kích già Panđe đã tìm ra con đường của mình. Vanga tiếp tục chăm lo việc gia đình và trở thành chỗ dựa không chỉ cho các em mà cho cả ông bố. Panđe nhiều lúc tuyệt vọng trong cảnh bần cùng. Vanga lại gieo hy vọng vào ông bằng cách khẳng định rồi sẽ đến những ngày tươi sáng hơn đối với ông. Lúc nào cũng túng thiếu, có lúc Panđe mơ ước trở thành người đi tìm kho báu, tìm được thật nhiều tiền.

Một lần Vanga nói với ông rằng có một nơi có chôn rất nhiều đồng tiền cổ và mô tả tỉ mỉ nơi đó. Nó nằm cách không xa Xtrumitse, tại một làng bỏ hoang bên một cánh rừng có một mỏm đá nhọn hoắt. Vanga nói là tiền cổ được chôn dấu dưới tảng đá này. Ông bố thoạt đầu ngạc nhiên sau đó phá lên cười rất to và lâu. Vanga sầm mặt im lặng. Ông bố thôi không cười nữa và sau đó nhớ lại rằng quả thật có một nơi như thế. Đó là làng Raianna bị dân làng từ bỏ từ lâu sau trận dịch hạch. Ở đó có cả sông, cả cánh rừng, cả tảng đá.

Panđe hỏi Vanga tại sao cô lại biết chỗ đó, Vanga nói là cô thấy trong mơ. Panđe đành rủ con gái đi cùng mình đến đó biết đâu vận may đang chờ họ.

Và thế là cả nhà lên đường.

Liupka nhớ lại là Vanga định hướng nơi đó rất dễ dàng, cứ như cô từng đến đó rất nhiều lần và tất cả mọi thứ đều đúng như là cô mô tả. Panđe quyết định trở lại nơi này với cả cuốc xẻng để đào. Nhưng sau đó đã xảy ra một chuyện không may, ông bị ngã gẫy tay nên không đào được. Rồi người ta đắp đập chặn sông để xây một hồ chứa nước. Nếu quả thực ở đó có chôn tiền thì giờ số tiền cũng nằm sâu dưới đáy nước chờ đợi các thế hệ tìm kho báu tương lai.

Ít lâu sau đàn cừu mà Panđe chăn thuê bị mất trộm một con. Ông trở về nhà lòng giận dữ vì chủ không chịu trả công cho ông vì con cừu bị mất đó. Vanga nói rằng con cừu đó do một người ở làng Xonoxintovo bắt trộm. Vanga tả cảnh bề ngoài của kẻ đó. Panđe kinh ngạc bởi ngay cả ông cũng không biết người đó huống chi Vanga, một cô gái mù ít khi ra khỏi sân nhà. Nhưng Vanga nói rằng cô mơ thấy như vậy. Cô thường buồn bã nhắc lại là cô hay mơ thấy những việc không hay và sau đó chúng trở thành hiện thực. Đó chính là thời kỳ đầu của tài tiên tri của Vanga. Panđe đến làng mà Vanga chỉ ra và quả là tìm thấy con cừu bị mất trong đàn cừu của một người làng đó.

Năm 1939 Vanga bị viêm màng phổi. Tám tháng liền cô ở giữa cái sống và cái chết. Cô gầy kinh khủng khiếp và nhẹ như bấc. Vào những ngày nắng Liupka đặt chị gái vào tấm chăn và mang ra đường. Thỉnh thoảng bác sĩ cũng đến thăm nhưng chẳng thể giúp gì và một lần nữa còn nói với Liupka là chị gái cô sắp chết. Tin này nhanh chóng lan ra khắp khu phố và hàng xóm đã gọi linh mục đến làm lễ rửa tội. Vào ngày Công nhân tổ hợp thuốc lá lĩnh lương, một người cầm mũ đứng cạnh cổng đề nghị mọi người quyên góp tiền để làm lễ tang cho cô gái mù nghèo bị chết.

Nhưng hai ngày sau, khi lấy nước trở về, Liupka đã đánh rơi xô nước. Vanga mà mọi người đang chờ chết đã trở dậy và đang quét sân. Không thể nói là cô vừa ốm “thập tử nhất sinh”. Cô chỉ gầy khủng khiếp và da tái hơn thường lệ. Cử động của tay cô vẫn mạnh mẽ và đầy tự tin. Khi nghe tiếng Liupka, Vanga nói: “Chúng ta nhanh tay lên nào, cần phải quét dọn mọi nơi sắp có nhiều người đến nhà ta đấy!”.

Năm 1939 trôi qua trong bầu không khí chính trị sôi sục. Chính phủ ngày càng thân Hítle. Nhân dân phản đối, nhiều cuộc biểu tình, đình công nổ ra. Bắt đầu những cuộc bắt bớ hàng loạt. Cả cha của Vanga cũng bị bắt. Một kẻ nào đó đã vu cáo ông. Trong tù ông bị đánh đập dã man nhưng vì thiếu chứng cớ, chúng buộc phải thả ông. Bình phục một cái là ông già Panđe 53 tuổi lại bắt đầu lang thang làm thuê.

Đầu năm 1940, Liupka bị viêm màng não. Sau hai tuần nằm viện, Liupka trở về và thấy Vanga chỉ còn da với xương. Suốt thời gian Liupka bị ốm, không ai bước qua cửa nhà họ cả và dĩ nhiên chẳng có ai mang nước uống cho Vanga. Nhưng Vanga chịu đựng không một lời kêu ca và rất vui sướng khi thấy em gái lành bệnh trở về.

Hàng ngày Vanga và Liupka đi lấy nước ở những cái giếng nằm giữa cánh đồng. Trong khi Liupka kéo nước, Vanga ngồi xuống một hòn đá và ngồi im lặng, bất động hoàn toàn thoát ly thực tại. Một lần Liupka hoảng hồn tưởng chị gái mình mất trí và chết đến nơi. Cô đứng chôn chân cạnh Vanga cho đến khi chị gái hồi tỉnh lại: “Em đừng sợ”, Vanga nói chẳng có gì đáng sợ cả. Đó là do chị vừa nói chuyện với một người, một kỵ sĩ, ông ấy muốn cho ngựa uống nước. Chị nói ông ấy đừng giận khi em không chịu nhường cho ông ấy lấy nước trước, bởi em không trông thấy ông ấy mà. Người kỵ sĩ trả lời: “Tôi không giận đâu, tôi đợi được mà. Còn cô, cô hãy hái những cọng cỏ có hoa trắng nhỏ kia kìa, nó gọi là “Cỏ sao” có thề tác dụng chữa rất nhiều thứ bệnh”.

Liupka nhìn quanh và lúc đó mới để ý đến loại cỏ mọc đầy quanh giếng. Loại cỏ này thân mảnh không lá, trên ngọn có những bông hoa nhỏ màu trắng vương lên với mặt trời. Từ trước đến nay, cô chưa biết tên nó bởi chưa từng thấy nó ở một nơi nào khác. Liupka còn hoảng sợ hơn nữa khi thấy trên cánh đồng không một bóng người, Vanga nói về người kỵ sĩ nào. Chị ấy nói chuyện với ai trong khi không hề mấp máy môi.

Có lẽ số phận của họ là phải ốm trong cái năm 40 ấy. Sau các con gái đến lượt ông bố bị ốm, trên da xuất hiện các vết loét, ông bị nhiễm trùng máu. Suốt mùa hè hai chị em chăm sóc bố có những lúc đã tưởng ông khoẻ lên, nhưng Vanga nói với em: “Em đừng hy vọng làm gì, chị biết là cha sắp mất rồi. Chúng ta hoàn toàn trơi trọi trên đời, không còn ai che chở nữa”.

Đến tháng 9, Panđe đã rất yếu. Cả hai con trai đi xa đều trở về để túc trực bên giường của ông. Sau nhiều năm ly tán, rốt cuộc cả gia đình quy tụ về để mà …đói cùng nhau. Mỗi buổi sáng, hai anh em lại ra chợ làm bất kể việc gì. Họ thường trở về tay trắng. Thời buổi thật khó khăn.

Đầu tháng 11, Panđe cảm thấy mình sắp chết, ông gọi các con lại và dặn: “Các con, cha sắp chết đây. Các con hãy ở lại và sống cho đến lúc mảnh đất của chúng ta lại trở lại là đất đai Bungari. Tiếc là cha không sống được đến cái ngày tươi sáng ấy. Cha có một ước muốn lớn: “Khi người Bungari quay trở lại, hãy gọi một người lính Bungari nào đó để người đó cắm lưỡi lê vào đất trên mộ cha, cha sẽ hiểu là Bungari đã đến!”.

Ngày 8 tháng 11 năm 1940, Panđe mất, thọ 54 tuổi.

Sau này khi quân đội Bungari tiến vào Xtrumitse, hai con trai Panđe dẫn một người lính đến mộ cha. Người lính đó là Bôrít Ianép người làng Beliuset. Anh cắm lưỡi lê lên mộ và nói: “Hãy an nghỉ hỡi người Bungari trung hậu”. Như đã nói ở trên, đó là chuyện về sau.

Ngày tháng trôi đi với những nỗi cay cực đến tội cùng. Chỉ có sự chịu đựng không giới hạn của Vanga giữ cho các em cô khỏi tuyệt vọng. Mặc dù cay đắng hơn tất cả mọi người, Vanga đã tỏ ra dũng cảm và là tấm gương về sự cứng cỏi cho các em. Ít lâu sau, hai em trai lại lên đường đi làm thuê.
duyniceboy is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn