View Single Post
Old 08-06-2011, 12:23 AM   #4
Tôi yêu Việt Nam
..: Sao vàng năm cánh :..
 
Tôi yêu Việt Nam's Avatar
 
Tham gia: Aug 2010
Bài gửi: 27
Default Cái điếu.

Đêm khuya, rảnh rỗi, trời Sài gòn mưa, nhớ Hà Nội, nhớ quán trà đá, nhớ cái điếu cày, nhớ những lúc chè xanh, chè chát bên cạnh là nghi ngút khói thuốc lào, bỗng nhiên muốn hý hoáy đôi dòng. Nói về cái điếu, chẳng biết để chủ đề nào, thôi cứ bỏ tạm vào đây vậy. Cũng lâu rồi, không nên cứ để cái đề tài này mốc meo.

Tôi thì chưa được cái phúc ra nước ngoài, nhưng cũng đọc đâu đó bảo là chỉ mỗi nước Việt Nam mình có cái điếu. Theo tôi biết thì điếu có hai loại, điếu cày và điếu bát. Hôm nay ngẫu hứng, chỉ viết về cái điếu bát thôi.
Về chuyện cái điếu, thì từ ngàn xưa, mỗi vùng quê, hình ảnh cái điếu, ấm nước chè tươi đã quen thuộc lắm rồi. Nhưng cũng xin post một tấm hình cái điếu bát cho các bạn ở Nam bộ chiêm ngưỡng.


Nói về cái điếu, người ta thường tưởng tượng đến 1 cái gì đó rất dân dã, rất thô mộc và không hề cao sang. Nhưng như văn hóa người Việt xưa nay, những gì bình dị nhất (như câu ca dao chẳng hạn) lại ẩn chứa những tư tưởng về nhân sinh quan, vũ trụ quan rất thâm thúy.

Các bạn hẳn cũng nghe qua học thuyết ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa ,Thổ tương sinh, tương khắc. Vậy thì chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi mình nói, trong cái điếu bát của người Việt, bao hàm đủ ngũ hành lẫn sự tương sinh, tương khắc. Để tôi chỉ ra rõ hơn nhé: Kim là cái nõ điếu, Mộc là cần hút, Thủy là nước điếu, Hỏa là lửa để châm thuốc, Thổ là thân điếu bát làm bằng đất nung.

Để bàn sâu hơn, lại phải vận dụng lý thuyết ngũ hành, 8 quẻ của bát quái, nhưng đang là bàn chuyện phiếm cho vui thôi, nên tôi tránh cái đoạn rườm ra này ra. Chỉ muốn nói về cái điếu. Tại sao một vật dụng tầm thường như thế lại bao hàm đủ ngũ hành? Phải chăng là một sự tình cờ ngẫu nhiên? Hay còn có ý nghĩa nào khác?

Nếu các bạn cho rằng đó là một sự tình cờ, tôi dám chắc bạn đã sai rồi, những gì gắn với thôn quê Việt Nam, đều có một sự cân bằng kì diệu giữa học thuyết âm dương ngũ hành và tư tưởng giản phác mà thâm thúy (việc nấu bánh chưng chẳng hạn).

Tại sao có sự kì lạ đó, tôi xin mạn phép đưa ra ý kiến: đó là trải qua hàng trăm năm, hàng nghìn năm, sự quan sát con người, vũ trụ của những người dân Việt đã đạt đến một "cảnh giới" khá cao. Và họ hiểu một điều rằng, từ những điều bình dị nhất, như ngọn cỏ, lá cây, hay hơi thở con người... đến những điều huyền vi như tinh đẩu, số mệnh đều được bao hàm trong một trật tự vô hình mà thấu triệt. Và họ cố gắng đưa sự quan sát, kinh nghiệm và tri thức đó vào trong những nét sinh hoạt thường ngày nhất. Nói nôm như chúng ta bây giờ , đó là "công nghệ đỉnh cao từ những điều bình dị nhất".


Rông dài mãi lại quên mất cái điếu, từ cái điếu, ấm nước chè mà bao nhiêu câu chuyện cổ, bao nhiêu kinh nghiệm sống, bao nhiêu truyền thuyết được truyền từ đời ông sang đời cha, từ cha sang con, từ con sang cháu và cho tới tận bây giờ.
Nói thế, để chúng ta hiểu một điều rằng, luôn có những thứ được ngụy trang bằng một mớ ngôn từ hỗn độn tưởng chừng như hàn lâm... cái kiểu như ra rả "đạo khả đạo phi thường đạo" hay "bất khả tư nghi" gì gì đó... Nói thế, để chúng ta hiểu rằng, đừng tự huyễn hoặc mình và người khác bằng những "tri thức" quá "cao siêu".

Xin hãy tự khiêm, nhìn lại văn hóa dân tộc ta, để nhận ra một bài học rất giản dị mà luôn mới...

Bài viết này dông dài, tóm lại chẳng được mấy ý, có thể nói là mượn chó nói mèo thôi… Xin các bạn cứ coi như là một câu chuyện phiếm vậy.
Tôi yêu Việt Nam is offline   Trả Lời Với Trích Dẫn