PDA

View Full Version : Nỗi niềm cựu Tổng thống Saddam Hussein qua những trang hồi ký


nhanvatso1
12-24-2009, 08:27 AM
Trong những ngày cuối năm 2005, cả thế giới lại xôn xao khi phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein liên tục được mở rồi lại hoãn. Điều làm mọi người ngạc nhiên là tuy bị giam trong nhà tù Mỹ, không có nhiều điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài hay cập nhật thông tin về văn học, lại bị ngược đãi nhưng cựu Tổng thống S.Hussein vẫn giữ nguyên sự đau đáu niềm say mê viết văn.

Tính đến thời điểm trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Iraq hồi tháng 3/2003, cựu Tổng thống S.Hussein đã hoàn thành 3 cuốn tiểu thuyết khác nhau mang tên "Zabibah and the King", "The fortified citadel" và "Men and a city"... Mỗi cuốn truyện được coi như những trang tự sự của riêng ông. Chẳng hạn như "Zabibah and the King" thì kể về một nhà lãnh đạo đã hy sinh cuộc sống giàu sang vì quyền lợi của nhân dân"; " The Fortified citadel" lại mô tả thời gian giữ quyền cao chức trọng của S.Hussein tại đảng Baath"; "Men and the city" với nội dung chính nói về một người quyền lực, một vị anh hùng của Iraq.

Mới đây, dư luận thế giới một lần nữa lại xôn xao khi một tờ báo Arab đưa tin về việc cuốn tiểu thuyết thứ 4 của ông mang tên "Get out, damned one" (tạm dịch là "Này tên khốn, hãy biến khỏi đây") được xuất bản tại Jordan. Và mặc dù bị Chính phủ Amman cấm xuất bản nhưng cuốn tiểu thuyết dày 186 trang này đã qua mặt cuốn Harry Potter lừng danh để trở thành sách bán chạy nhất tại Jordan trong nửa cuối năm 2005. Cuốn tiểu thuyết viết về cuộc đời của Salem -một người con của bộ lạc Arab đầy kính trọng đã chiến thắng quân đội Mỹ và quân Do Thái, thống nhất các bộ lạc Arab. Nhân vật đối lập trong truyện là Hisquel, một kẻ tham lam, mưu đồ lật đổ người đứng đầu một thị trấn bị thất bại và cuối cùng bị hạ gục.

Có thể thấy rằng cuốn truyện này là một phép ẩn dụ mà qua đó cựu Tổng thống S.Hussein muốn ngụ ý tới các kế hoạch chống dân Hồi giáo và Arab của người Công giáo và Do Thái. Được xuất bản đầu tiên bằng tiếng Arab cùng trang bìa do một họa sĩ Iraq trang trí, đến nay "Get out, damned one" đã được ra phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Để thu hút độc giả, nhiều tờ báo Arab cũng đã đăng một số trích đoạn trong cuốn tiểu thuyết và chiêu thức này càng giúp cho việc tiêu thụ sách (mặc dù là sách lậu) một cách dễ dàng.

Nỗi niềm của một tù nhân

Bắt đầu kiếp sống tù ngục vào một ngày cuối năm 2003, cựu Tổng thống S.Hussein từ đó mang trong mình lối sống ẩn dật, ung dung tự tại và có vẻ như thoát tục, không màng danh lợi, cũng chẳng để ý đến lợi ích của cá nhân mình. Cái vẻ đẹp uy nghi, vạm vỡ của người đứng đầu chính quyền Baghdad ngày trước giờ đã biến mất, nhường cho một khuôn mặt tiều tụy với đôi mắt buồn. Không phải ông S.Hussein cảm thấy nẫu lòng cho số phận của mình mà ông vẫn đang lo nỗi lo tự do, cuộc sống yên ấm cho người dân quê hương ông. Những ngày ở tù, mặc dù bị đối xử bất bình đẳng, cựu Tổng thống Iraq vẫn tỏ ra cao ngạo, thách thức chứ không có cái vẻ thúc thủ và cam chịu của một tù nhân.

Trên tạp chí GQ số tháng 7/2005, 5 người từng là lính gác tại nhà tù Mỹ đã tiết lộ những chi tiết thú vị về cuộc sống trong tù của ông S.Hussein. Theo đó, cựu Tổng thống Iraq là một người sạch sẽ. Ông thường dùng giấy sạch lau khay đựng thức ăn trước khi ăn... Ông cũng rất thân thiện với những lính canh gác trẻ tuổi và đôi khi đưa ra lời khuyên giống như một người cha. Ngày nào ông cũng cầu nguyện 5 lần và luôn giữ một cuốn kinh Koran bị cháy xém ở gáy và có một vết đạn bên trong. Sống trong một căn phòng nhỏ chỉ rộng khoảng 10m2 trong khuôn viên của một tòa nhà được bảo vệ nghiêm ngặt, nép dưới những bức tường chăng đầy dây thép gai và những trạm gác với những binh sĩ trang bị súng máy, cựu Tổng thống S.Hussein thường ghi chép và đọc những cuốn sách mà đại diện Hội chữ thập đỏ quốc tế mang vào cho ông.

Bị buộc phải cách xa với những tù nhân khác, không được biết tin tức của thế giới bên ngoài, ông S.Hussein đã gửi tâm sự của mình vào những vần thơ và các trang nhật ký. Luật sư Giovanni di Stefano, thuộc nhóm luật sư bào chữa cho ông cho biết, cựu Tổng thống Iraq đã bắt đầu viết những trang đầu tiên cho cuốn hồi ký của mình vào đầu năm 2005. Ban đầu, ông S.Hussein dự định sẽ nhờ các luật sư làm thủ tục xuất bản cuốn sách trước khi ông tái xuất hiện tại toà án nhưng sau đó không kịp. Cũng giống như mọi cuốn hồi ký khác, phần đầu cuốn sách là câu chuyện về tuổi thơ ấu của ông tại làng Awja thân yêu, gần thành phố Tikrit. Thời thanh thiếu niên ông đã sinh sống và trưởng thành tại Iraq được cựu Tổng thống miêu tả là quãng thời gian êm đềm nhất. Nhưng kiếp sống lưu vong ở Ai Cập và những cuộc phiêu lưu quân sự tại Iran và Kuwait mới là phần quan trọng nhất. Cũng trong cuốn hồi ký của mình, ông S.Hussein sẽ cung cấp những chi tiết mật về việc người Pháp và Anh đã phản bội lại ông như thế nào trong việc giúp Iran trong cuộc chiến 1980-1988. Ông nhắc lại những cam kết mà các cường quốc này này từng coi Iraq là nhà trung gian hữu ích chống lại sự bành trướng của Iran sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Ngoài ra, cựu Tổng thống S.Hussein còn hé mở đôi chút về những cú đi đêm của quan chức Mỹ, về những ngón đòn mà Nhà Trắng đã tung ra đối với ông trước khi phát động cuộc chiến hồi tháng 3/2003. Giới phân tích đánh giá, cuốn hồi ký của ông S.Hussein sẽ là một trái phá lớn, khiến không ít cường quốc phương Tây phải ê mặt vì đã bị phanh phui nhiều bí mật về những âm mưu thôn tính vùng rốn dầu Trung Đông.

Nổi tiếng lúc cầm quyền, đến nay, cựu Tổng thống S.Hussein vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận đặc biệt khi phiên tòa xét xử ông được tiến hành. Những sự kiện liên tiếp xảy ra với cái chết của 2 thành viên trong đoàn luật sư đã khiến 1.100 luật sư tham gia bào chữa cho ông S.Hussein xin rút lui vì lo cho sự an toàn tính mạng của mình. Vẫn mang nét cương nghị, rắn rỏi, trước tòa, cựu Tổng thống Iraq đã lật ngược thế cờ của mình, biến vị trí từ một tù nhân tại tòa án, trở thành người tra hỏi lại những kẻ đang âm mưu hãm hại ông. Khôn ngoan, quyết đoán ngay cả trong lúc nguy cấp nhất, ông S.Hussein đã khiến không ít người run sợ và buộc Tổng thống đương nhiệm của Iraq Jalal Talabani phải tuyên bố sẽ không ký lệnh xử tử ông. Và thế là cựu Tổng thống S.Hussein đã không chỉ được báo chí quan tâm mà còn trở thành nhân vật chính trong những cuốn phim tư liệu do các nhà làm phim nổi tiếng thế giới dàn dựng.

Nhà làm phim tài liệu Joel Soler của Pháp sau khi tình cờ có được thước phim quay hình ảnh ông S.Hussein tiêu khiển với trò bắt cá, đã quyết định dựng một bộ phim mang tiêu đề "Uncle Saddam". Joel Soler đã đến Iraq với mục đích quay hình ảnh về kiến trúc của xứ sở này và đã phỏng vấn được các nhà thiết kế, kiến trúc sư và nhiều họ hàng của ông S.Hussein. Ông cũng được một số người từng thân thiết của cựu Tổng thống Iraq cung cấp nhiều hình ảnh độc đáo trong đó có cảnh ông S.Hussein đeo cà vạt, đội chiếc mũ trắng rộng vành, đang nói chuyện về vệ sinh cơ thể... Còn đài BBC và Discovery Channel thì thực hiện phim tài liệu "House of Saddam", tập trung miêu tả những thăng trầm trong cuộc đời của các thành viên trong gia đình và trong chính quyền của cựu Tổng thống Iraq

Nguồn :ANTG