PDA

View Full Version : Nhật Bản: Những chàng trai thích làm... phụ nữ


a
11-05-2009, 03:17 PM
Tuần qua, nhà thiết kế Shinya Yamaguchi ở Nhật Bản đã gây tiếng vang khi cho ra mắt một bộ sưu tập thời trang gồm những chiếc váy, áo len, quần bó. Điều đặc biệt là những bộ trang phục này đều dành cho nam giới.
“Những chàng trai ăn cỏ”

Đối tượng mà Shinya Yamaguchi hướng tới phục vụ là soshokukei danshi (tạm dịch: Những chàng trai nữ tính hóa), một lớp người pha trộn giới tính mới xuất hiện tại Nhật Bản.

Từ soshokukei được tạo ra bởi nữ nhà văn, nhà báo Maki Fukasawa vào năm 2007. Từ này có nghĩa “những chàng trai ăn cỏ”, đã được dùng để miêu tả một nhóm nam thanh niên mà bà nói là đang làm thay đổi quan điểm thế nào là đàn ông của người Nhật. “Tại Nhật Bản, sex được hiểu là “quan hệ xác thịt”, vì thế tôi đặt cho nhóm thanh niên này cái tên là “những chàng trai ăn cỏ” vì họ không có nhu cầu về sex”, Fukasawa nói.

Tuy nhiên nó chỉ được báo chí Nhật sử dụng nhiều trong mấy tháng trở lại đây nhờ công của bà Megumi Ushikubo, Chủ tịch công ty nghiên cứu thị trường Infinity kiêm tác giả cuốn “Soshokukei Danshi Ojo-man Ga Nippon wo Kaeru” (tạm dịch: Những người đàn ông nữ tính hóa và giống phụ nữ đang thay đổi nước Nhật) được xuất bản hồi tháng 11/2008.


Một thanh niên Nhật đậm chất Soshokukei


Thông qua các cuộc phỏng vấn với khoảng 100 nam giới trong độ tuổi giữa 20 và đầu 30 ở Tokyo cùng một số thành phố khác, Ushikubo kết luận rằng Soshokukei không chỉ lãnh đạm với sex hay thích ăn mặc giống con gái mà còn có các đặc điểm tính cách bị ảnh hưởng từ phái yếu.

Cụ thể, họ thiếu tính cạnh tranh trong công việc hơn những người đàn ông ở thế hệ trước. Họ biết cách ăn mặc thời trang và ăn ít để giữ vóc dáng thon thả nhằm mặc vừa các bộ quần áo bó sát. Họ thân thiết với các bà mẹ và thường đi mua sắm đồ cùng mẹ. Họ không hứng thú với việc hẹn hò các cô gái, thiết lập các mối quan hệ hay nhắc tới chuyện chăn gối. Họ thích dùng các món đồ chơi tình dục để tự thỏa mãn.

Làm quen và chấp nhận

Với những người tự nhận là dân “nữ tính hóa” như Yoto Hosho, những lời đàm tiếu của dư luận chỉ là chuyện “muỗi”. “Chúng tôi không quan tâm mọi người nghĩ gì về cách sống của chúng tôi” - Hosho nói.

Theo anh này, khi nền kinh tế còn tốt đẹp, người đàn ông Nhật chỉ có một phong cách sống duy nhất: Họ gia nhập một công ty, cưới vợ, có con, mua xe hơi và thường xuyên thay xe. Đàn ông Nhật ngày nay đơn giản không thể chấp nhận định nghĩa “sống hạnh phúc đó”. Hosho cho rằng bản thân và những người giống anh đang làm một cuộc cách mạng về định nghĩa đàn ông.


Một thanh niên Soshokukei mua bánh về ăn. Ăn bánh vào thời gian rảnh rỗi được coi là thú vui đậm chất nữ tính ở Nhật Bản


Có thể thấy cuộc “cách mạng” này đã khiến dư luận Nhật bất ngờ nhưng nhanh chóng làm quen và chấp nhận. Vài năm trở lại đây, thị trường Nhật đã xuất hiện một loạt hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của những người nam giới thích sự yếu đuối này. Một số hãng bia ở Nhật đã sản xuất loại bia nhẹ hơn trong bối cảnh việc bán bia truyền thống sụt giảm.

Hồi tháng 11 năm ngoái, một công ty tên WishRoom đã tung ra những mẫu áo lót cho đàn ông và bán rất chạy. Giám đốc điều hành WishRoom, Akiko Okunomiya, cho biết bà cũng ngạc nhiên trước số lượng khách hàng nam chào đón dòng sản phẩm vốn chỉ dành cho chị em này.

“Ngày càng nhiều người đàn ông quan tâm đến áo ngực. Kể từ khi ra mắt sản phẩm, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ khách hàng rằng họ chờ đợi nó từ lâu”, Okunomiya nói. Ngoài áo nịt ngực, Wishroom còn bán cả... quần lót phụ nữ cho các quý ông.

Hiroko Fujikawa, Giám đốc Mars Annex Co., công ty có chuỗi cửa hàng làm móng và spa ở Tokyo, cho biết 40% khách hàng của họ là nam giới. Một cuộc khảo sát cho thấy có đến... 80% thanh niên Nhật biết cạo, tỉa lông mày. Cuộc khảo sát khác diễn ra hồi năm 2007 do một nhà sản xuất thiết bị vệ sinh lớn tổ chức cho kết quả đầy bất ngờ: một nửa nam giới thổ lộ họ thường ngồi lên bồn cầu để đi tiểu như phụ nữ.

Tuần rồi, nhà thiết kế Shinya Yamaguchi ở Nhật vừa giới thiệu bộ sưu tập những chiếc váy, áo len, một số có màu hồng và tất cả đều dành cho đàn ông. Thật khó có thể hình dung các công ty Nhật sẽ còn tung ra những mặt hàng nào cho các đối tượng khách hàng mới này.


Nhà thiết kế Shinya Yamaguchivà một mẫu váy dành riêng cho đàn ông


Đi tìm lời giải

Tại sao hiện tượng này lại bùng nổ ở Nhật? Theo Masahiro Morioka, Giáo sư Triết học tại Đại học Osaka và là tác giả cuốn “Soshokukei Danshi no Ren- ai Gaku” (Sách hướng dẫn duy trì mối quan hệ với các chàng trai nữ tính hóa), xuất bản hồi tháng 7/2008, nguyên nhân do đàn ông Nhật đã được giải thoát khỏi sức ép phải trở nên nam tính. Ông cho rằng xu hướng nam giới nữ tính hóa bắt nguồn từ việc Nhật Bản đã tận hưởng hòa bình trong suốt 6 thập kỷ qua.

“Tôi cho những người đàn ông nam tính nhất là các binh sĩ trên chiến trường” - Morioka nói - “Nhưng sức ép buộc đàn ông phải nam tính đã phai nhạt dần trong hơn 6 thập kỷ qua. Kết quả là tỉ lệ giết người bình quân do nam giới thực hiện tại Nhật hiện thấp nhất thế giới”. Việc xóa nhòa lằn ranh giới tính, theo Morioka, không phải là hiện tượng mới lạ. Ông cho rằng đã xảy ra hiện tượng này trong thời kỳ Edo (1603-1867), khi hòa bình thuộc triều đại Tokugawa Shognate đã kéo dài suốt 260 năm.

Tác giả Ushikubo dẫn ra vài nguyên nhân để lý giải hiện tượng nam giới nữ tính hóa, trong đó coi kinh tế là nguyên nhân chủ đạo. Theo bà, thế hệ trẻ Nhật ngày nay lớn lên trong điều kiện kinh tế khó khăn. Thế hệ trước họ, các đối tượng từ 35 tuổi trở lên, đã sinh ra trong điều kiện kinh tế dồi dào, tiền bạc dư dả, công việc đầy tràn nên lạc quan hơn về tương lai.

Ngược lại, nền kinh tế Nhật giai đoạn hiện nay đã suy giảm. Tình trạng này đã tạo nên những khoảng cách lớn về thu nhập giữa các seishain (lao động làm việc dài hạn) và các nhóm haken (lao động tạm thời). Nhiều thanh niên trẻ đã rơi vào nhóm haken. Theo Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật, mức thu nhập thường niên của thanh niên trong độ tuổi 20 chỉ khoảng 3,25 triệu yen, thấp hơn gấp đôi so với thế hệ trước. Công việc không ổn định, thu nhập thấp là nguyên nhân khiến một số thanh niên tỏ ra lãnh đạm với công việc.


Một nam giới thử áo nịt ngực tại WishRoom

Theo Morioka, Soshokukei là hiện tượng tích cực, nó cho thấy dấu hiệu rằng xã hội Nhật đang trở nên khoan dung hơn trước những khác biệt giữa những người đàn ông. “Đàn ông phải đa dạng hóa. Đó là điều tốt cho cả đàn ông và xã hội nếu có thêm nhiều nam giới được giải thoát khỏi các giá trị định sẵn” - ông nói.

Dĩ nhiên không phải ai cũng chấp nhận xu hướng mới này. Masahiro Yamada, một giáo sư xã hội học ở Đại học Chuo, Tokyo, nói rằng việc nam giới nữ tính hóa có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Ông cho biết chỉ 3, 5% nam giới Soshokukei có khả năng kiếm ít nhất 6 triệu yen (khoảng 60.000 USD một năm).

Trong khi đó một cuộc thăm dò mới đây cho thấy 2/5 phụ nữ Nhật vẫn muốn hẹn hò với người đàn ông có khả năng kiếm ít nhất 6 triệu yen/năm. Kết quả của sự kỳ vọng này là nước Nhật có thể sẽ xuất hiện một thế hệ đàn ông và đàn bà chưa từng kết hôn và có con. Thực tế, khoảng một nửa đàn ông Soshokukei trong độ tuổi từ 20 - 34 hiện đang sống độc thân và khoảng 30% chưa từng có bạn gái nào. Với một quốc gia vốn đã lâm vào cảnh suy giảm dân số như Nhật Bản, đây thực sự là một thảm họa.

Theo Tường Linh

Bài trên trang web http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/chuyen4phuong/415445/index.html

ngockute
11-06-2009, 01:29 AM
dài wa. Hok mún đọc tí tẹo nào .