PDA

View Full Version : Tiến sỹ Alan Phan: "Thua cuộc chỉ là một tình trạng tạm thời"


luomlat_goo
02-26-2014, 11:45 PM
Cựu Chủ tịch Quỹ Viasa (Hong Kong), người từng có 43 năm kinh doanh tại các quốc gia trên thế giới, chia sẻ: “Thua cuộc chỉ là một tình trạng tạm thời. Bỏ cuộc biến nó thành một sự kiện thường trực”.

Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ (1987), người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn là tác giả nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt về các thị trường mới nổi…

http://l.f31.img.vnexpress.net/2013/02/05/h1-528328-1368603163_500x0.jpg
Tiến sĩ Alan Phan.

Trước đây, ông từng đi du học 7 năm tại Mỹ theo chương trình học bổng của UNSAID, năm 1970 Alan Phan trở lại Sài Gòn. Ngoài công việc giảng dạy tại Trường Kỹ thuật Phú Thọ, ông còn tham gia thành lập một số công ty liên doanh với nước ngoài, như Dona Foods, Foremost Dairies (nay là Vinamilk), Mekong Can,… với hơn 18.000 nhân viên. Ngỡ tưởng cuộc sống cứ thế diễn ra êm đẹp, nhưng số phận thường thích trêu ngươi con người. Sau ngày đất nước thống nhất, với nhiều biến cố lịch sử và cuộc sống, Alan Phan bỏ lại tất cả dắt díu vợ con qua Mỹ với vỏn vẹn 400 USD trong túi cùng một quyết tâm xây dựng lại cuộc đời mình. Bằng những quyết tâm và sự lăn xả, tiếp tục đối diện với nhiều vấp ngã đến năm 1983, sau tám năm đi làm thuê, ông quyết định ra riêng, thành lập Hartcourt để thử sức mình. Đến năm 1999, Công ty Hartcourt đạt thị giá 670 triệu USD đánh dấu bước thành công.

Trải qua những sóng gió của cuộc đời và đều vượt qua tất cả, Alan Phan từng chia sẻ, ngay cả những khi khó khăn nhất ông vẫn ít dùng từ “nghèo khổ” mà thay vào đó thường dùng hai từ “nghèo khó”. Theo ông giải thích thì “nghèo” đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa không thể vượt qua và đôi khi hành trình còn lý thú hơn rất nhiều. Có lẽ bởi một tinh thần lạc quan và ý chí thép như vậy nên hầu như mọi khó khăn ông đều vượt qua bằng sự hăng hái nhất.

Nhưng lại một lần nữa, cuộc đời đưa Alan Phan lên đỉnh cao danh vọng rồi lại tiếp tục vùi dập ông không thương tiếc. Sau những thành công thì ông lại tiếp tục nếm mùi thất bại ở các dự án đầu tư tại Mexico, Trung Quốc, và thậm chí tại cả Hartcourt. Alan Phan trầm ngâm kể lại: “Khi cổ phiếu của Hartcourt lên như diều, từ 0,75 USD lên đến 20 USD vào những năm 1998-2000, tôi đã bắt đầu trở nên mù quáng và thấy mình là một đại gia tài ba, có thể tạo dựng một Microsoft, Cisco System, hay Yahoo mới của Trung Quốc”. Tiến sĩ Alan Phan thừa nhận rằng, khi ấy, ông kiêu căng, liều lĩnh và đã bắt đầu phát triển Hartcourt ào ạt mà không kịp nhận ra rằng, bong bóng “dotcom” - thứ đã mang đến thành công cho Hartcourt - đã bắt đầu xìu xuống. Năm 2002, thị giá của Hartcourt chỉ còn hơn 100 triệu USD. Đến lúc này ông mới tỉnh ngộ và tiến hành tái cấu trúc lại bộ máy công ty và quyết định rời Hartcourt sau 17 năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Sau đó, ông quyết định qua Australia học thêm tiến sĩ về quản trị kinh doanh và thành lập quỹ đầu tư riêng cho gia đình - VIASA Fund.

Đi nhiều, thành công cũng như thất bại giúp Alan Phan chắt lọc kinh nghiệm sống, kinh nghiệm kinh doanh và đầu tư. Với ông, hai từ “thất bại” dường như không có nghĩa lý gì về mặt hình thức, nó chỉ tồn tại về mặt ý chí và tinh thần, bởi đơn giản theo ông thì “bỏ cuộc trước khi tới đích là thất bại. Tôi chưa bỏ cuộc nghĩa là tôi chưa thất bại”. Khi được hỏi, quan niệm thế nào về một người thành công, ông chia sẻ thẳng thắn: “Tôi quan niệm một người thành công trong cuộc sống phải hội đủ sáu yếu tố. Thứ nhất là có sức khỏe. Thứ hai, trí tuệ đầy đủ. Thứ ba, tinh thần mạnh mẽ, sáng suốt. Thứ tư, tâm linh mình được thanh nhàn, êm ả, hòa hợp với vũ trụ, với đấng tối cao nào đó. Thứ năm, trả ơn xã hội bằng những đóng góp thiết thực. Sau cùng, có tài sản vật chất đầy đủ. Thiếu bất kỳ yếu tố nào trong sáu yếu tố này thì chưa phải toàn vẹn”.

Không tự đề cao bản thân và không bao giờ chịu dừng bước khi chạm đến đỉnh thành công, đôi chân và khối óc ông tiếp tục muốn thử thách và chinh phục những mục tiêu mới. Mới đây, ngày 1/1 ông chính thức từ nhiệm và rút chân khỏi Viasa để tiếp tục chuyến phiêu lưu mới của mình khi đã bước qua cái tuổi lục tuần. Một phần dẫn đến quyết định này của ông cũng là vì rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ tài năng ngày nay. Alan Phan cũng đưa ra một “công thức” chung cho tất cả những người trẻ yêu thích kinh doanh và làm giàu như sau:

“Tôi tin rằng một doanh nhân trẻ, tìm ra một mô hình kinh doanh sáng tạo và dồn hết tâm trí nội lực của mình liên tục trong 5 năm, sẽ nhất định trở thành một triệu phú USD.

Quên chuyện ăn nhậu, quên chuyện thất tình trai gái, quên chuyện bạn bè bàn ra tán vào, quên chuyện sĩ diện… chỉ biết một mục đích duy nhất là công việc của mình, không bỏ cuộc hay thất vọng, không phân tán tài lực với những hoạt động ngoài luồng, không suy nghĩ xa xôi hay lầm lạc.

Chỉ đơn giản có thế.

Tôi sẵn sàng ký một khế ước với bạn: nếu bạn đã làm tất cả việc này thật nghiêm túc và không kiếm được 1 triệu USD vào 2017, tôi sẽ tịnh khẩu và ngưng hết viết lách trong phần đời còn lại”.