PDA

View Full Version : Lập thời gian biểu tốt nhất theo đồng hồ sinh học


thang
04-26-2013, 06:13 AM
Đồng hồ sinh học trong cơ thể còn được gọi là nhịp điệu sinh lý ngày đêm, là thời gian biểu cho những hoạt động hằng ngày của mỗi người; đồng hồ sinh học định rõ thời điểm nào trong ngày bạn nên dành cho việc ăn uống, làm việc hay ngủ, nghỉ. Khi bạn biết kết hợp đồng điệu các hoạt động thường ngày với đồng hồ sinh trong cơ thể, hiệu quả hoạt động sẽ đạt được mức cao nhất.

http://yduoc365.com/wp-content/uploads/dong-ho-sinh-hoc-thoi-gian-bieu-tot-nhat-y-duoc-365.jpg

Chu trình hoạt động của đồng hồ sinh học gắn bó rất mật thiết đối với sức khỏe

Bản chất của đồng hồ sinh học

Đồng hồ sinh học trong cơ thể còn được gọi là nhịp điệu sinh lý ngày đêm, tập hợp một chùm nhỏ các tế bào thần kinh. Chuỗi hạch này có nhiệm vụ điều khiển một số chức năng cơ bản như kiểm soát lượng thức ăn nạp vào và nhiệt độ của cơ thể. Chúng sẽ đồng bộ hóa chu trình thức – ngủ của cơ thể với vòng tuần hoàn ngày – đêm bằng cách sử dụng thông tin mà nó nhận được từ những cơ quan nhận cảm ánh sáng nằm đằng sau nhãn cầu. Chúng nắm bắt thông tin, giải mã và chuyển giao thông tin cho tuyến yên – một cấu trúc nhỏ có hình dạng như quả thông, nằm trong hố yên ở đáy sọ não và có liên quan mật thiết với vùng dưới đồi.

Tuyến yên tiết ra hormon melatonin hay còn gọi là hormon kiểm soát thời gian (do chúng được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm). Tuyến yên cũng tiếp nhận thông tin về thời gian do chuỗi hạch chuyển đến. Từ đó, chúng sản xuất ra nhiều hormon giúp củng cố hệ miễn dịch của cơ thể.

Vai trò của đồng hồ sinh học

Tất cả các sinh vật sống đều có các chu kỳ hoạt động hằng ngày được biết đến dưới tên gọi “nhịp điệu thường nhật”. Các nhịp điệu này được điều khiển bởi một hệ thống kiểm giờ bên trong hay còn gọi là đồng hồ sinh học.

Hệ thống này cảm nhận được khi một ngày bắt đầu và kết thúc. Ở thực vật, đồng hồ sinh học truyền tín hiệu khi nào thì chúng tăng trưởng. Ở người, đồng hồ sinh học giúp điều hòa các thay đổi về huyết áp, thân nhiệt và sự tỉnh táo vốn thay đổi tùy thời gian trong ngày.

Những nhịp điệu thường nhật này phụ thuộc vào ánh sáng chứ không phải thị giác. Rõ ràng là, một bông hồng nhạy cảm với ánh sáng nhưng nó không thể nhìn thấy. Cũng giống như thực vật, con người chúng ta có những tế bào cảm nhận ánh sáng đặc biệt gọi là “tế bào nhận kích thích ánh sáng”. Những tế bào này phát ra tín hiệu khi ánh sáng tác động lên chúng. Ở động vật có vú, tế bào nhận kích thích ánh sáng được biết đến duy nhất nằm ở hai mắt.

Đa số các nhà khoa học đồng ý rằng những tế bào nhạy cảm với ánh sáng này có tác dụng “cài đặt” các nhịp điệu thường nhật trong cơ thể chúng ta. Thế nhưng, mặc dù các tế bào nhận kích thích ánh sáng của chúng ta nằm ở mắt, cũng không nhất thiết phải thấy đường mới cảm nhận được nhịp điệu thường nhật. Nhiều người mù vẫn có nhịp điệu thường nhật bình thường.

Nếu bạn kết hợp được sự đồng điệu các hoạt động thường ngày với đồng hồ sinh trong cơ thể, hiệu quả hoạt động của bạn sẽ đạt được mức cao nhất. Sau đây là một số thông tin hữu ích nhất dành cho thời gian biểu của bạn:

1. Vào buổi sáng

- Buổi sáng là thời điểm lý tưởng cho những ai đang muốn theo dõi cân nặng của mình. Một kết quả nghiên cứu của trường ĐH Minnesota (Mỹ) cho thấy cơ thể đốt cháy calo trong thức ăn của bữa sáng nhanh và hiệu quả hơn. Do vậy, một bữa sáng “chất lượng” sẽ là nguồn năng lượng cần thiết giúp bạn hoạt động “miệt mài” cho đến tận bữa trưa.

- Giữa buổi sáng (từ khoảng 10-12 giờ sáng) là khoảng thời gian mà chức năng của não bộ hoạt động tốt nhất bởi vì lúc này, lượng hormon cortisol (hormon có tác dụng kích thích thần kinh tỉnh táo) đạt đến mức cao nhất. Nhờ đó, khả năng tư duy sẽ nhanh nhẹn và sáng suốt. Đây là lúc bạn cần tiến hành những hoạt động đòi hỏi khả năng tập trung cao độ như nghiên cứu hoặc giải quyết giấy tờ.

- Những cặp vợ chồng đang muốn có con nên cố gắng thực hiện việc thụ thai vào lúc sáng sớm. Theo một kết quả nghiên cứu từ trường Cao đẳng Y khoa Cornell, New York (Mỹ), 6 giờ sáng là thời điểm mà người đàn ông có thể sản xuất ra nhiều tinh trùng hơn so với các mốc thời gian còn lại trong ngày.

- Nếu đang muốn thảo luận những vấn đề quan trọng với khách hàng hoặc bạn bè, bạn cũng nên tiến hành vào buổi sáng. Mọi người sẽ có xu hướng chấp nhận những gì mà bạn nói. Do đó, hãy cố gắng sắp xếp nhiều cuộc hẹn hơn vào buổi sáng.

2. Buổi chiều

Cơ thể chúng ta được lập trình với hai chu kỳ ngủ trong một ngày. Sau bữa trưa, khả năng tư duy có xu hướng chậm lại. Lúc này, cơ thể cần một giấc ngủ trưa. Chỉ từ 15 đến 20 phút nghỉ ngơi là đủ để tái tạo năng lượng và đủ “sức mạnh” để tiếp tục hoàn thành những công việc còn lại trong ngày. Những người lao động chân tay cần được nghỉ ngơi nhiều hơn so với người khác.

- Khoảng thời gian làm việc tốt nhất chính là buổi chiều và đầu giờ tối. Trong suốt khoảng thời gian này, nhiệt độ cơ thể tăng lên mức tối đa, các cơ bắp được thư giãn, khớp xương chuyển động dễ dàng hơn.

- Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng chịu đau của con người đạt mức cao nhất vào buổi chiều (khoảng từ 1 đến 3 giờ chiều). Hãy tận dụng thông tin hữu ích này để sắp xếp lịch hẹn nha sĩ vào buổi chiều.

3. Buổi tối

- Buổi tối là thời gian phù hợp nhất để bạn đi thăm những người bị ốm. Lượng tế bào bạch cầu (tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật) trong máu sẽ tăng cao vào buổi tối. Điều này giúp bảo vệ bạn không bị lây nhiễm bệnh.

- Hãy chuẩn bị các báo cáo về kế hoạch tài chính vào buổi tối vì đây là thời điểm mà khả năng ghi nhớ sâu đạt hiệu quả tối ưu nhất.

- Lượng hormon testosterone sẽ đạt đỉnh vào khoảng 10 giờ 30 phút tối. Đây cũng là thời điểm mà khả năng ham muốn tình dục của cơ thể cũng lên đến mức cao nhất. Do vậy, thời điểm này rất phù hợp để bạn thể hiện tình yêu của mình.

Chu trình hoạt động của đồng hồ sinh học gắn bó rất mật thiết đối với sức khỏe. Khoa học hiện đại vẫn đang tìm hiểu và còn nhiều điều chưa giải thích được về đồng hồ sinh học trong cơ thể con người. Ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện, mang lại những phát hiện mới rất thú vị về đồng hồ sinh học, giúp chúng ta hiểu hơn về chính cơ thể mình và biết cách tận dụng tối đa những quy luật sinh học gắn kết với các hoạt động thường ngày để nâng cao sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Nguồn: Y Dược 365 (TH)