PDA

View Full Version : Clip "Quê tôi Thanh Hóa" Nhóm Sinh viên làm


thang
10-27-2012, 11:37 AM
Trước sự kỳ thị đối với người Thanh Hóa xảy ra thời gian qua, nhóm sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh làm clip thể hiện lòng tự hào, tình yêu đối với đất và người nơi đây, qua những địa danh lịch sử nổi tiếng.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/dc/73/thanh-hoa.jpg
Khi biết người bạn mới quen quê Thanh Hóa, cô gái đã có thái độ khó chịu.
Ảnh chụp từ clip.

Kịch bản dựa trên câu chuyện có thật xảy ra tháng 9/2010 của đôi bạn sinh viên. Lần gặp đầu tiên ở sân trường, cô gái ấn tượng với vẻ ngoài đẹp trai, thư sinh của bạn nam ngồi cạnh ghế đá. Tuy nhiên, lúc liếc mắt qua nhìn Hồ sơ học sinh - sinh viên đề tên Dương Minh Hoàng, quê quán Hậu Lộc, Thanh Hóa, nữ sinh này thay đổi thái độ và tỏ ra khó chịu. Cô nàng lườm nguýt, thở dài và nhăn mặt khiến cậu bạn ái ngại. Nhận ra thái độ không thiện chí của bạn nữ đó, nam sinh ấy rất buồn...

* Clip: Quê tôi Thanh Hóa (http://www.youtube.com/watch?v=zeOtP3eHins)
Như một lời giãi bày và chia sẻ, Dương Hoàng thể hiện tình yêu quê hương Thanh Hóa của mình qua đoạn rap giới thiệu những địa danh lịch sử, con người cùng cảnh vật. Hình ảnh Cầu Hàm Rồng, tượng đài Lê Lợi, suối cá thần, địa danh Mường Lát, cánh đồng lúa bát ngát, làng chiếu Nga Sơn và những người con Thanh Hóa chịu thương, chịu khó hiện lên thân thương mà bình dị. Hình ảnh ấy nhắc nhở và khơi dậy thêm lòng tự hào trong lòng cậu sinh viên Dương Hoàng.

Cuối clip, Hoàng tình cờ gặp lại cô bạn từng "lườm nguýt" hôm nào ở bến xe buýt. Cô nàng vẫn giữ thái độ miệt thị và không ngồi gần. Nhưng khi thấy cô bị đạo chích móc điện thoại, Hoàng vội đuổi theo lấy lại "dế" cho bạn. Nhận lại điện thoại trong tay, cô gái bỗng thấy xấu hổ khi đã hành xử thiếu văn hóa.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/bd/dc/73/thanh-hoa-5.jpg

Tự hào là người con Thanh Hóa, nhân vật chính trong clip giới thiệu với mọi người
những địa danh lịch sử của quê hương mình. Ảnh: Chụp từ clip.

Hùng - đạo diễn clip "Quê tôi Thanh Hóa" cho biết, ê kip thực hiện đều là sinh viên. Và nhóm muốn giới thiệu thêm với mọi người về mảnh đất có truyền thống văn hóa lịch sử với những con người kiên cường, bất khuất và giàu lòng yêu thương. "Hy vọng xã hội sẽ có cái nhìn khác về người Thanh Hóa", Hùng nói.

Sau khi được đưa lên mạng, clip đã có hàng nghìn lượt xem. Không ít người bình luận rằng đã khóc khi xem clip. "Xem đoạn cuối thấy ứa cả nước mắt", Kim Anh Trịnh viết. Nickname Quyet Lam cũng không cầm được nước mắt: "Ôi mình hâm mất rồi, ngồi xem một mình đến đoạn cuối tự nhiên chảy nước mắt chứ".

Phần lớn comment đều cho rằng, "ở đâu cũng có người nọ người kia", vì thế không nên "đánh đồng" hoặc "vơ đũa cả nắm". "Tôi luôn tự hào mình là người con Thanh Hóa và luôn ngâng cao đầu vì mình là người Thanh Hóa. MV rất đẹp và lời bài rap rất ý nghĩa", nickname xuan huy chia sẻ.

Theo Vnexpress

thang
01-01-2013, 11:51 AM
Gửi các bạn quan tâm du lịch Thanh Hóa:

http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/video/2013/01/theo-chan-ban-tre-du-ngoan-xu-thanh/

thang
01-19-2013, 10:33 AM
Tiếng kẻng học bài ở xứ Thanh

Nghe tiếng kẻng ngân vang, đèn học trong các nhà bật sáng, học sinh thôn Ngọc Long (xã Ngọc Trạo, Thạch Thành, Thanh Hóa) lại tự giác ngồi vào bàn học bài.

Đúng 19h, ông Quách Cao Bảy cầm búa đánh ba hồi sáu tiếng kẻng. Lũ trẻ đang chơi đùa ngoài ngõ chợt dừng lại lắng nghe, một đứa lên tiếng “Đến giờ học rồi, về thôi”. Cả nhóm ai về nhà nấy, làng trên xóm dưới im ắng. Gõ kẻng đã 6 năm nay, ông Bảy cho hay “Học sinh trong thôn nghe tiếng kẻng như bộ đội nghe quân lệnh”.

Năm 2006, Hội khuyến học xã Ngọc Trạo phát động phong trào “tiếng kẻng học bài” nhằm vực dậy truyền thống hiếu học của xã, đồng thời hỗ trợ giáo viên trong việc giáo dục ý thức tự học của học sinh.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/0d/d8/bai-hoc-2.jpg
Ông Quách Cao Bảy đánh kẻng, nhắc nhở học sinh trong thôn đã đến giờ học bài. Ảnh: H.P.

Kẻng được làm từ vỏ quả bom tấn do địch ném xuống Ngọc Long năm 1953. Dân quân tháo hết thuốc nổ, đem vỏ treo ở cây cổ thụ cạnh hội trường thôn. Thời chiến, tiếng kẻng là hiệu lệnh tập trung, báo động toàn thôn tránh máy bay địch. Thời bình, tiếng kẻng trở thành hiệu lệnh nhắc nhở học sinh ngồi vào bàn học.

Đều như vắt chanh, đúng 19h ông Quách Cao Bảy đạp xe ra hội trường thôn đánh kẻng. Một lần bận việc, ông không đi đánh kẻng được, hôm sau đã bị thôn xóm nhắc nhở. Từ đó trở đi, có việc bận ông đều nhờ người làm thay. Thậm chí có hôm đang ăn cơm, ông đành buông bát, đi đánh kẻng rồi về ăn tiếp. Thời gian học sinh nghỉ hè, kẻng lại làm nhiệm vụ báo hiệu cho người dân đi họp thôn.

Cùng với việc đánh kẻng, thôn còn lập một tổ an ninh trật tự đi kiểm tra. Học sinh lang thang ngoài đường sẽ bị nhắc về nhà học bài. Gia đình nào mở tivi, xem phim vào giờ học của con cũng bị nhắc nhở, vi phạm nhiều lần sẽ bị khiển trách trên đài phát thanh của thôn. Giờ tự học chỉ 2-3 tiếng mỗi tối nhưng đã trở thành nề nếp của học sinh nơi đây.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/0d/d8/hoc-bai-1.jpg
Mỗi khi nghe tiếng kẻng, Quách Thị Mỹ Nha lại tự giác ngồi vào bàn học. Ảnh: H.P.

Quách Thị Mỹ Nha (học sinh lớp 5, trường THCS Ngọc Trạo) quen với tiếng kẻng học bài từ ngày còn học vỡ lòng. “Giờ muốn đi chơi cũng không có người chơi cùng vì 19h tối là bạn nào cũng ngồi vào bàn học”, Nha nói.

Người nơi khác đến chơi nghe tiếng kẻng thấy lạ, người làng Ngọc Long đi xa thì nhớ tiếng kẻng. Quách Thị Mỹ Hảo, chị gái Nha tâm sự: “Đi học xa nhà, không có tiếng kẻng nhưng theo thói quen19h em vẫn ngồi vào bàn học. Nó không đơn thuần là tiếng kẻng mà còn là tiếng tuổi thơ”.

Gia đình ông Quách Văn Minh có ba con gái. Trước vợ chồng ông cho rằng con gái thì không cần học cao. Nhưng từ ngày có phong trào “tiếng kẻng học bài”, ông nhận thức rõ cần đầu tư cho con học. Ba cô con gái giờ đang học đại học, cao đẳng ngoài Hà Nội. Năm rồi, gia đình ông đạt danh hiệu “Gia đình hiếu học tiêu biểu” của huyện Thạch Thành.

Ông Doãn Hoàng Mai, Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngọc Trạo cho biết, Ngọc Long là một trong bốn thôn duy trì phong trào “tiếng kẻng học bài” tốt nhất xã, sắp tới sẽ được huyện công nhận là “khu dân cư hiếu học”.

“Từ khi có tiếng kẻng học bài, số học sinh đạt thành tích cao tăng lên, các nệ nạn xã hội giảm rõ rệt. Năm 2012, cả xã có 18 em đậu đại học, cao đẳng. Đó là tỷ lệ đậu cao so với các xã miền núi trong huyện”, ông Mai nói thêm.

Theo vnexpress

thang
05-13-2013, 04:12 PM
Và đây là thành quả xứng đáng giành cho lòng tâm huyết với Quê hương của các bạn trẻ:

Khen thưởng tác giả video 'Quê tôi Thanh Hóa'

Biểu dương và tặng quà nhóm sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thực hiện video "Quê tôi Thanh Hóa", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá hoạt động này góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa xứ Thanh.

Ngày 11/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cùng đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền Thông, Tỉnh Đoàn đã gặp gỡ và tặng quà cho nhóm sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thực hiện video “Quê tôi Thanh Hóa”.

Biểu dương sự sáng tạo, tâm huyết và tấm lòng của ê kíp thực hiện video, Chủ tịch Chiến khẳng định, đây là hành động rất văn hóa, góp phần khơi dậy niềm tự hào về quê hương Thanh Hóa cho nhân dân trong tỉnh nói chung và cho bà con Thanh Hóa đang sinh sống, học tập, lao động trên cả nước và khắp thế giới. Đó cũng là kênh quảng bá về đất và người xứ Thanh tới bạn bè.

Cũng trong buổi gặp gỡ, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã trao bằng khen, phần thưởng khích lệ cho 6 thành viên của ê kíp. Thay mặt nhóm, sinh viên Dương Thế Hùng hứa tiếp tục thực hiện những tác phẩm mới như các video, phim tài liệu về Thanh Hóa. Trước mắt nhóm sẽ thực hiện video quảng bá cho du lịch Sầm Sơn.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/be/47/e8/13.jpg
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến (áo trắng đứng giữa) tặng quà cho êkíp thực hiện video "Quê tôi Thanh Hóa". Ảnh: Lê Hoàng