duyniceboy
09-20-2010, 04:49 PM
PNCN - Những ngày cận tết trung thu, không khí vắng lặng vây trùm xóm làm lồng đèn ở Phú Bình (P.5, Q.11 và P.Phú Trung, Q.Tân Phú, TP.HCM). Cái xóm này xưa kia tấp nập, sôi động với gần 200 hộ gia đình làm nghề thì nay không một bóng lồng đèn, không người bán kẻ mua. Nhưng sâu trong các con hẻm, vẫn còn lại hơn chục gia đình cố bám trụ giữ nghề.
Nghề gia truyền thành nghề tay trái
“Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường... Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bươm bướm…”. Câu hát quen thuộc của trẻ em mùa Trung thu dường như đã khá xa vời bởi sự chiếm lĩnh của lồng đèn nhựa, lồng đèn vải, lồng đèn điện tử... Có lẽ vì vậy mà nơi sản sinh ra những chiếc lồng đèn giấy bóng kiếng cũng dần rơi vào quên lãng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ ở số 445/70 Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TP.HCM có bốn đời cha truyền con nối làm lồng đèn. Trẻ em trong gia đình, năm - sáu tuổi là đã biết buộc dây đèn. 17 tuổi, anh Sỹ đã là thợ chính. Khi anh lập gia đình, vợ con cũng theo nghề. Nhưng từ lúc lồng đèn Trung Quốc lấn sân, nghề làm lồng đèn của gia đình anh bắt đầu gặp khó khăn. Vợ chồng anh đành chuyển sang bán bánh xèo kiếm sống. Theo anh Sỹ, chục năm trước đây, từ hai tháng trước Trung thu, xóm này đã tràn ngập lồng đèn nhiều màu sắc rực rỡ. Nhà nào cũng treo lớp trên lớp dưới mà không đủ chỗ, phải treo đèn tràn ra ngoài hiên, ngoài ngõ. Tất cả già trẻ, lớn bé đều làm việc thâu đêm, đến khi không thể mở mắt được và mệt quá thì lăn ra ngủ tại chỗ. Nhiều thương lái đến tận nhà, chầu chực đêm hôm để gom lồng đèn. Còn giờ đây, đã cuối mùa mà đèn vẫn chưa bán hết. Trung thu qua rồi thì chỉ có nước… vứt rác.
Thời hoàng kim, mỗi mùa Trung thu, một gia đình làm đến hàng chục ngàn chiếc lồng đèn. Các công việc chuẩn bị như mua tre nứa, bẻ khung, tạo mẫu, buộc kẽm… đã được bắt đầu từ tháng hai âm lịch. Không chỉ những nhà làm lồng đèn truyền thống, các hộ lân cận cũng sống được nhờ dán lồng đèn thuê. Chị Nguyễn Thu Hà (49/56/82 Trịnh Đình Trọng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú) ngậm ngùi nhớ: “Nhà tôi 10 anh chị em, được cha mẹ nuôi lớn nhờ nghề dán lồng đèn thuê. Hồi xưa, cứ sau một mùa Trung thu, ngoài trang trải chi tiêu trong gia đình, chúng tôi còn sắm sửa được những vật dụng có giá trị. Khi nghề hết thời hưng thịnh, chị em tôi đều phải chuyển hướng. Đứa làm thợ cơ khí, xây dựng, đứa thì uốn tóc, trang điểm, tôi thì nấu ăn. Làm lồng đèn hiện chỉ như một nghề tay trái, một niềm vui của cả gia đình mỗi mùa Trung thu về ”.
Không ngừng sáng tạo
Câu nói “Nghề chơi cũng lắm công phu” thật đúng để diễn tả cái nghề làm lồng đèn. “Chưa có nghề nào lại tỉ mỉ, chi tiết và tốn nhiều thời gian như nghề này”, anh Sỹ tiếp tục câu chuyện. “Ít nhất cũng phải đến 10 công đoạn mới hoàn thiện được một “con đèn”, công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tình cảm vào. Chẳng hạn, khi chọn tre cũng không được chọn cây quá già hay quá non. Tre già thì sẽ cứng không uốn được, tre non thì mềm quá không tạo dáng được. Chỉ một loại đèn bươm bướm đã cần chuẩn bị năm loại nan khác nhau để tạo dáng: nan làm thân, làm cánh lớn, cánh nhỏ, làm râu… Khi uốn nan cũng phải làm thật đều tay cho chiếc nan được dẻo đều để tạo dáng đẹp cho từng chi tiết trên chiếc đèn…”.
“Bên cạnh việc làm đẹp, nhà tôi còn luôn tạo ra các mẫu mới để thu hút người mua”, anh Nguyễn Hào Kiệt (em chị Hà), nổi tiếng là người “chuyên trị” những lồng đèn độc và lạ, nói. Cứ mỗi độ Trung thu về, anh lại mày mò phác thảo mẫu mới. Tác phẩm của anh là những đèn lồng cỡ “khủng” và độc như: nàng tiên cá, con rồng, con tàu, Pokémon, đôrêmon, dế mèn… Anh Nguyễn Duy Thanh (một người em khác của chị Hà) chuyên về lồng đèn hoa sen hồ hởi thuyết minh: “Mình quan sát đóa sen tươi, chọn bông nở đẹp nhất làm mẫu rồi vẽ ra giấy và uốn khung theo mẫu để tạo ra những cánh hoa thật đều. Muốn cánh hoa sen đẹp tự nhiên, phải chọn loại giấy can và pha trộn màu sơn sao cho tạo được sắc hồng tự nhiên và phải phun thật đều tay tạo sự chuyển màu từ hồng đậm sang hồng phơn phớt”.
http://www.phunuonline.com.vn/vieclam/2010/Picture/phamvu/thang9/nhungnguoi1.jpg
Chị Hà là người chuyên bẻ khung, tạo mẫu. Do vậy mà đôi bàn tay chị chai sần và khô cứng. Chị xòe đôi bàn tay tự hào: “Tay thì xấu nhưng bẻ mẫu thì rất đẹp đấy nhé”. Chị Hà cũng là người phải tranh thủ ngày nghỉ chạy xe máy xuống tận Bình Dương để chọn và mua tre nứa.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh (49/56/2 Trịnh Đình Trọng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú), cũng làm lồng đèn từ đời cha ông. Đèn lồng nhà anh Hạnh được khách hàng ưa chuộng nhờ nét vẽ và kiểu dáng sắc sảo. Nhiều năm trước, khách hàng còn mua đèn của anh để xuất đi Úc. Sau này, mọi người trong gia đình chuyển hướng nghề nghiệp, chỉ riêng anh Hạnh là quyết tâm bám nghề. “Tôi còn làm thì mỗi mùa làm đèn đến, các em tôi nó cũng xông vào phụ. Cái nghiệp ngấm vào máu rồi, bỏ đi xót lắm. Làm lồng đèn giấy bóng kiếng công phu, tỉ mỉ nhưng thú vị lắm. Năm nào tôi cũng tạo ra cái mới, không là kiểu dáng thì màu sắc hay hoa văn”, anh Hạnh tâm sự.
Sau cả chục công đoạn, người làm đèn chỉ thu về khoảng 3.000đ - 4.000đ cho mỗi chiếc lồng đèn loại nhỏ. Một người làm cả ngày đêm và hết sức cũng chỉ được khoảng tối đa là 20 chiếc. Với những đèn cỡ lớn, lạ thì có thể bán được giá cao nhưng công sức bỏ ra lại rất nhiều. Ví dụ, một chiếc đèn tàu thủy giá 200.000đ phải mất gần hai ngày và ba công lao động để hoàn thiện. Mỗi mùa Trung thu từng hộ gia đình cũng chỉ bán được khoảng 3.000 chiếc. Thu nhập không đáng là bao, nhưng những người làm lồng đèn ở Phú Bình vẫn cố gắng theo nghề để mong giữ hình ảnh Trung thu cổ truyền cho trẻ nhỏ và cho cả chính mình.
An Hà
Nghề gia truyền thành nghề tay trái
“Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường... Đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bươm bướm…”. Câu hát quen thuộc của trẻ em mùa Trung thu dường như đã khá xa vời bởi sự chiếm lĩnh của lồng đèn nhựa, lồng đèn vải, lồng đèn điện tử... Có lẽ vì vậy mà nơi sản sinh ra những chiếc lồng đèn giấy bóng kiếng cũng dần rơi vào quên lãng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ ở số 445/70 Lạc Long Quân, P.5, Q.11, TP.HCM có bốn đời cha truyền con nối làm lồng đèn. Trẻ em trong gia đình, năm - sáu tuổi là đã biết buộc dây đèn. 17 tuổi, anh Sỹ đã là thợ chính. Khi anh lập gia đình, vợ con cũng theo nghề. Nhưng từ lúc lồng đèn Trung Quốc lấn sân, nghề làm lồng đèn của gia đình anh bắt đầu gặp khó khăn. Vợ chồng anh đành chuyển sang bán bánh xèo kiếm sống. Theo anh Sỹ, chục năm trước đây, từ hai tháng trước Trung thu, xóm này đã tràn ngập lồng đèn nhiều màu sắc rực rỡ. Nhà nào cũng treo lớp trên lớp dưới mà không đủ chỗ, phải treo đèn tràn ra ngoài hiên, ngoài ngõ. Tất cả già trẻ, lớn bé đều làm việc thâu đêm, đến khi không thể mở mắt được và mệt quá thì lăn ra ngủ tại chỗ. Nhiều thương lái đến tận nhà, chầu chực đêm hôm để gom lồng đèn. Còn giờ đây, đã cuối mùa mà đèn vẫn chưa bán hết. Trung thu qua rồi thì chỉ có nước… vứt rác.
Thời hoàng kim, mỗi mùa Trung thu, một gia đình làm đến hàng chục ngàn chiếc lồng đèn. Các công việc chuẩn bị như mua tre nứa, bẻ khung, tạo mẫu, buộc kẽm… đã được bắt đầu từ tháng hai âm lịch. Không chỉ những nhà làm lồng đèn truyền thống, các hộ lân cận cũng sống được nhờ dán lồng đèn thuê. Chị Nguyễn Thu Hà (49/56/82 Trịnh Đình Trọng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú) ngậm ngùi nhớ: “Nhà tôi 10 anh chị em, được cha mẹ nuôi lớn nhờ nghề dán lồng đèn thuê. Hồi xưa, cứ sau một mùa Trung thu, ngoài trang trải chi tiêu trong gia đình, chúng tôi còn sắm sửa được những vật dụng có giá trị. Khi nghề hết thời hưng thịnh, chị em tôi đều phải chuyển hướng. Đứa làm thợ cơ khí, xây dựng, đứa thì uốn tóc, trang điểm, tôi thì nấu ăn. Làm lồng đèn hiện chỉ như một nghề tay trái, một niềm vui của cả gia đình mỗi mùa Trung thu về ”.
Không ngừng sáng tạo
Câu nói “Nghề chơi cũng lắm công phu” thật đúng để diễn tả cái nghề làm lồng đèn. “Chưa có nghề nào lại tỉ mỉ, chi tiết và tốn nhiều thời gian như nghề này”, anh Sỹ tiếp tục câu chuyện. “Ít nhất cũng phải đến 10 công đoạn mới hoàn thiện được một “con đèn”, công đoạn nào cũng phải bỏ công sức và tình cảm vào. Chẳng hạn, khi chọn tre cũng không được chọn cây quá già hay quá non. Tre già thì sẽ cứng không uốn được, tre non thì mềm quá không tạo dáng được. Chỉ một loại đèn bươm bướm đã cần chuẩn bị năm loại nan khác nhau để tạo dáng: nan làm thân, làm cánh lớn, cánh nhỏ, làm râu… Khi uốn nan cũng phải làm thật đều tay cho chiếc nan được dẻo đều để tạo dáng đẹp cho từng chi tiết trên chiếc đèn…”.
“Bên cạnh việc làm đẹp, nhà tôi còn luôn tạo ra các mẫu mới để thu hút người mua”, anh Nguyễn Hào Kiệt (em chị Hà), nổi tiếng là người “chuyên trị” những lồng đèn độc và lạ, nói. Cứ mỗi độ Trung thu về, anh lại mày mò phác thảo mẫu mới. Tác phẩm của anh là những đèn lồng cỡ “khủng” và độc như: nàng tiên cá, con rồng, con tàu, Pokémon, đôrêmon, dế mèn… Anh Nguyễn Duy Thanh (một người em khác của chị Hà) chuyên về lồng đèn hoa sen hồ hởi thuyết minh: “Mình quan sát đóa sen tươi, chọn bông nở đẹp nhất làm mẫu rồi vẽ ra giấy và uốn khung theo mẫu để tạo ra những cánh hoa thật đều. Muốn cánh hoa sen đẹp tự nhiên, phải chọn loại giấy can và pha trộn màu sơn sao cho tạo được sắc hồng tự nhiên và phải phun thật đều tay tạo sự chuyển màu từ hồng đậm sang hồng phơn phớt”.
http://www.phunuonline.com.vn/vieclam/2010/Picture/phamvu/thang9/nhungnguoi1.jpg
Chị Hà là người chuyên bẻ khung, tạo mẫu. Do vậy mà đôi bàn tay chị chai sần và khô cứng. Chị xòe đôi bàn tay tự hào: “Tay thì xấu nhưng bẻ mẫu thì rất đẹp đấy nhé”. Chị Hà cũng là người phải tranh thủ ngày nghỉ chạy xe máy xuống tận Bình Dương để chọn và mua tre nứa.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh (49/56/2 Trịnh Đình Trọng, P.Phú Trung, Q.Tân Phú), cũng làm lồng đèn từ đời cha ông. Đèn lồng nhà anh Hạnh được khách hàng ưa chuộng nhờ nét vẽ và kiểu dáng sắc sảo. Nhiều năm trước, khách hàng còn mua đèn của anh để xuất đi Úc. Sau này, mọi người trong gia đình chuyển hướng nghề nghiệp, chỉ riêng anh Hạnh là quyết tâm bám nghề. “Tôi còn làm thì mỗi mùa làm đèn đến, các em tôi nó cũng xông vào phụ. Cái nghiệp ngấm vào máu rồi, bỏ đi xót lắm. Làm lồng đèn giấy bóng kiếng công phu, tỉ mỉ nhưng thú vị lắm. Năm nào tôi cũng tạo ra cái mới, không là kiểu dáng thì màu sắc hay hoa văn”, anh Hạnh tâm sự.
Sau cả chục công đoạn, người làm đèn chỉ thu về khoảng 3.000đ - 4.000đ cho mỗi chiếc lồng đèn loại nhỏ. Một người làm cả ngày đêm và hết sức cũng chỉ được khoảng tối đa là 20 chiếc. Với những đèn cỡ lớn, lạ thì có thể bán được giá cao nhưng công sức bỏ ra lại rất nhiều. Ví dụ, một chiếc đèn tàu thủy giá 200.000đ phải mất gần hai ngày và ba công lao động để hoàn thiện. Mỗi mùa Trung thu từng hộ gia đình cũng chỉ bán được khoảng 3.000 chiếc. Thu nhập không đáng là bao, nhưng những người làm lồng đèn ở Phú Bình vẫn cố gắng theo nghề để mong giữ hình ảnh Trung thu cổ truyền cho trẻ nhỏ và cho cả chính mình.
An Hà