PDA

View Full Version : Sống những phút giây mùa thu tinh tế để chờ đợi mùa đông tê tái mà ấm áp nhé bạn :)


tawananna1991
09-13-2010, 10:06 AM
Đây mùa thu tới của Xuân Diệu bắt đầu cảm xúc thu bằng một hình tượng kết hợp cả hai nguồn cảm xúc Đông – Tây:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới, mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng

Cảnh thu ấy đã mang theo cả bóng dáng tâm tình của con người, trong dáng vẻ cô đơn buồn thương se chùng cả không gian trong dáng liễu. So sánh phức hợp đã giúp nhà thơ nhìn thấy nỗi buồn mang theo ám ảnh hư vô: đứng chịu tang, vóc liễu vừa là tóc buồn vừa là lệ ngàn hàng. Lạ thay, nỗi buồn ấy lại làm hiện lên vẻ đẹp lạnh lùng diễm tuyệt của mùa thu, như người thiếu phụ mặc áo tang đen băng ngang đường trong thơ của Baudelaire!Khổ thơ này còn gợi nhớ cả gốc liễu mùa thu trút lá trong thơ của V.Hugo, chứa đựng cảm quan lãng mạn, nhạy cảm trước những tàn phai và mất mát. Cảm xúc thu của Xuân Diệu vẫn lắng đọng trước vẻ đẹp mơ màng của chiếc áo thu mơ phai dệt lá vàng, vẫn nguyên vẹn những rung cảm trước hồn buồn của mùa thu dân tộc.

Cảm xúc chủ đạo trong Đây mùa thu tới vẫn là cảm thức về thời gian, giữa cái đang tới – cái mất đi, là sự hoà quyện của vẻ đẹp và nỗi buồn, của cảnh và tình, trong ám ảnh buồn thương đến não lòng trước bước chuyển của mùa thu:

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mong manh

Tất cả những hình ảnh trong khổ thơ này đều là hiện hình của một nỗi buồn thấm đẫm: hoa rụng cành, lá rung rinh, màu sắc đối chọi, nhánh khô gầy… Cái run rẩy như toả ra từ trong hồn người, làm khung cảnh nhuốm vẻ thê lương. Các giác quan được huy động tối đa để cảm thụ vào chiều sâu của cảnh. Và từ cảnh, nhà thơ đã gửi gắm cả niềm đợi chờ bâng khuâng trước vẻ huyền ảo mơ màng, trong nhịp chuyển rất khẽ khàng của từng sắc thu:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

Tâm trạng con người như có chút hụt hẫng, hư hao trước không gian trống vắng. Mùa thu không đứng yên mà bảng lảng với niềm mong đợi, khát khao của con người. Không phải ngẫu nhiên mà có nhà nghiên cứu đã nhận xét: với Xuân Diệu, con người bao giờ cũng là trung tâm của những vẻ đẹp vũ trụ, vẻ đẹp con người trở thành chuẩn mực của những vẻ đẹp vũ trụ. Một nàng trăng tự ngẩn ngơ đã khác hẳn với bóng trăng thuần túy trong thơ Nguyễn Khuyến. Suy rộng ra, cách cảm của thơ lãng mạn đã bộc lộ năng lực nội cảm hoá cao độ không gian ngoại cảnh so với thơ cổ điển.

Nếu như nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Khuyến cố thu mình lại trước cảnh thì Xuân Diệu lại cảm nhận cái tận cùng của vẻ đẹp mùa thu trong chính hình ảnh con người, vẻ đẹp và nỗi buồn thiếu nữ như hội tụ tất cả vẻ đẹp của hồn thu:

…Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?

Vẻ đẹp ấy không thể cắt nghĩa, cho dù bản thân nhà thơ đã khép lại bằng một nỗi băn khoăn. Dù cho có sự gặp gỡ giữa hồn thơ xưa và nay trong dáng buồn không nói của thiếu nữ, nhưng vẫn có thể thấy rõ sự khác biệt ở thơ Xuân Diệu, đó chính là cái ngẩn ngơ trước cái đẹp ẩn sâu của hồn người. Nghĩa là cảnh thì tĩnh lặng mà tâm hồn thì xôn xao, đó chính là một trong những nét đặc trưng của hồn thơ Xuân Diệu: “Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết” (Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam).

Xuân Diệu cũng đem lại những cảm nhận mới mẻ về mùa thu qua các thủ pháp mới lạ như những cách nói “rất Tây”: hơn một loài hoa, sắc đỏ rũa màu xanh, ít nhiều thiếu nữ… hoặc những so sánh trùng điệp : liễu – tóc buồn - lệ ngàn hàng, cách diễn tả trực tiếp cảm giác của con người trong hình ảnh thiên nhiên: run rẩy rung rinh lá, nàng trăng tự ngẩn ngơ…, cách tả chi tiết sống động cũng như cách nói: đã nghe…, đã vắng…Nhưng dẫu vậy thì cảm xúc về mùa thu vẫn không xa lạ. Vẫn là nhịp điệu thất ngôn truyền thống, vẫn là những hình ảnh thu, cảm giác thu quen thuộc tự nghìn đời.

Qua so sánh cảm nhận hai nhà thơ tiêu biểu viết về mùa thu, chúng ta cũng có thể nhận ra những đặc trưng cơ bản của phạm trù trung đại và phạm trù hiện đại trong văn học Việt Nam. Bằng tài năng và tâm hồn nhạy cảm của thi nhân, Nguyễn Khuyến và Xuân Diệu đã đem đến những nét đẹp riêng biệt của mùa thu dân tộc, đã ghi dấu ấn cá tính sáng tạo trong những thi phẩm tuyệt diệu của mỗi người. Từ đó, chúng ta cũng có thể rút ra một vấn đề có ý nghĩa phương pháp luận: muốn hiểu đúng về tác phẩm từng thời kỳ, cần phải nắm vững những đặc trưng của mỗi phạm trù văn học, có như vậy chúng ta mới khám phá và hiểu một cách sâu sắc những tác phẩm của văn học nước nhà./.

Hà Nội, tháng 6 năm 2007
Trần Hà Nam
http://www.ddhsonline.com/diendan/thu-vien-van
__________________