PDA

View Full Version : Nửa triệu 1 ly cà phê Chồn và 60 triệu 1kg cà phê Chồn


a
08-12-2010, 05:24 PM
Các anh em nhà ta khoái uống cà phê nhưng giờ mới choáng vì cái giá dã man này huhu
Hóa ra từ trước đến nay chúng ta toàn uống cà phê có pha tí mùi chồn thôi, huhu

Tách cà phê giá nửa triệu đồng

Nguồn: VnExpress (http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Quoc-te/2010/08/3BA1EFD0/)

Ở Mỹ, người tiêu dùng đang tò mò với loại cà phê đặc biệt mới du nhập có giá đắt nhất thế giới - 30 USD một tách nhỏ.

Từ Indonesia, trào lưu cà phê Kopi Luwak đang trở thành một hiện tượng tại New York thời gian gần đây. Người Mỹ quan tâm tới cà phê này không chỉ vì mức giá đắt đỏ, mà còn về nguồn gốc thú vị của nó.
Kopi Luwak cũng được làm từ hạt cà phê nhưng phải trải qua một công đoạn chế biến đặc biệt, với sự trợ giúp của những chú chồn. Những người làm cà phê cho biết, đầu tiên họ cho chồn ăn hạt cà phê, sau đó thu hoạch phân của chúng và nhặt ra từng hạt cà phê lẫn trong đống phân đó. Chất axit trong dạ dày của chồn sản xuất ra một loại men khiến hạt cà phê trở nên thơm ngon hơn. Tiếp đến, nhà sản xuất sẽ tiến hành làm sạch và rang cà phê.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/EF/D0/worlds_most_expensive_coffee_11[2].jpg
Cà phê chồn Kopi Luwak: "Thơm ngon đến giọt cuối cùng". Ảnh: amusingplanet.com

Chính vì cách chế biến cầu kỳ như trên, giá một kg cà phê chồn có thể lên đến 440 USD theo hãng tin AP. Một số cửa hàng trực tuyến còn rao bán loại hảo hạng lên tới 600 USD một kg, theo tờ Jarkata Globe. Mỗi năm, chỉ có khoảng 450 kg cà phê chồn được sản xuất trên thế giới, chủ yếu từ Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, mới đây những người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo ở Indonesia cho biết, họ có thể sẽ cấm uống loại cà phê này vì nguồn gốc "không sạch sẽ".

Mặc dù vậy, Tổng thống Indonesia có quan điểm khác về cà phê chồn. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Australia Kevin Rudd hồi tháng 3 vừa rồi, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã tặng ông một hộp cà phê chồn làm quà.

Ở Mỹ, mỗi tách cà phê chồn có giá khoảng 30 USD. Nhà hàng Lobby Lounge tại khách sạn Intercontinental Hong Kong bán với giá 165 đôla Hong Kong, tương đương 21 USD một cốc. Nhà hàng trong khách sạn Four Seasons của Pháp bán cà phê chồn, một cốc 30 USD.

Những người đã trải nghiệm loại cà phê này nhận xét Kopi Luwak có vị thơm ngon khác thường, ngọt đắng nhẹ. Nếu thêm từng chút đường một cho đến khi màu cà phê chuyển thành nâu vàng, tách cà phê còn thoang thoảng hương vị socola dịu nhẹ.


Tuy nhiên Cà phê chồn Việt Nam còn đắt hơn nhiều so với sản phẩm Kopi Luwak của Indonesia, vốn được báo chí nước ngoài cho là đắt nhất thế giới.
Lâu nay, tín đồ cà phê trong nước, ngay cả cư dân thủ phủ cà phê là Buôn Mê Thuột, Dak Lak, khi nói đến cái tên "cà phê chồn" đều chỉ cho đó là truyền thuyết, ít ai dám mạnh miệng tuyên bố họ đã được mục sở thị hoặc thưởng thức cà phê chồn thứ thiệt.

Tuy nhiên, những người trong nghề khẳng định cà phê chồn Việt Nam là một huyền thoại có thật, và đắt đỏ vào hạng nhất thế giới. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc của hệ thống cà phê Trung Nguyên cho biết Trung Nguyên đã sản xuất thương hiệu cà phê chồn của riêng mình với tên gọi Weasel. Mỗi kg cà phê Weasel có giá 3.000 USD, cao hơn nhiều so với Kopi Luwak của Indonesia, được rao dưới 600 USD một kg.
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F0/C4/abcd.jpg
Chồn ăn hạt cà phê ngoài tự nhiên sẽ cho ra những hạt cà phê thơm ngon hơn cà phê từ chồn nuôi nhốt. Ảnh: amusingplanet.com
"Sở dĩ cà phê chồn Việt Nam đắt vì quy trình sản xuất cầu kỳ và hoàn toàn thủ công", đại diện của Trung Nguyên giải thích. Khác với Indonesia, những người sản xuất cà phê chồn tại Việt Nam không nuôi nhốt chồn và ép chúng ăn cà phê sẵn có.

Một trong những lý do khiến cà phê chồn ngon vì con chồn thường chọn ăn quả ngon lành, chín mọng. Chồn bị "cưỡng bức" ăn hạt cà phê sẽ cho ra sản phẩm không được như chồn ngoài tự nhiên. Đội ngũ chồn ăn hạt và "sản xuất" phân hiện sống hoang dã rải rác khắp vùng Tây Nguyên như Buôn Mê Thuột, Kon Tum, Đắc Nông, với số lượng không nhiều như trước do nạn săn bắn.

Nguyên liệu thô được thu mua với giá từ 1 đến 10 triệu đồng mỗi kg (tùy thuộc vào chất lượng hạt cà phê, thành phần lẫn trong phân) từ nông dân, thương lái. Sau đó, Trung Nguyên tiến hành sản xuất với nhiều tiêu chí cầu kỳ như thời gian từ lúc chồn cho ra sản phẩm đến lúc bắt đầu chế biến không nên quá 24 giờ, tiếp đến hạ thổ (đưa xuống lòng đất) 343 ngày. Khâu hạ thổ này rất quan trọng để cà phê phân rã vỏ một cách tự nhiên, thay vì dùng máy tách như thông thường.

Sau khi trải qua các công đoạn cầu kỳ như trên, cà phê Weasel có giá lên đến 3.000 USD một kg. Gói nhỏ 250g được bán ở 750 USD.

Tuy nhiên, kể cả những người có tiền cũng khó mà mua cà phê chồn Weasel vì mỗi năm Trung Nguyên chỉ sản xuất được từ 40 đến 50 kg. Do đó, sản phẩm này hiện chưa dành xuất khẩu mà chỉ bán ở số lượng nhất định theo đơn đặt hàng của các khách hàng VIP.
Ngoài ra, cà phê chồn Weasel là món quà độc đáo dành tặng các vị nguyên thủ quốc gia khi họ đến Việt Nam. Gần đây nhất, món quà cà phê chồn Weasel được trao đến tay Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton khi bà đến Việt Nam tháng trước. Chủ tịch nước cũng từng tặng quà tương tự cho chồng bà là cựu Tổng thống Bill Clinton khi ông sang Việt Nam. Trong chuyến thăm Tây Ban Nha hồi tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch nước đã tặng cà phê chồn Weasel cho Thủ tướng và Quốc vương nước này.

Ngoài cà phê Weasel làm từ chồn tự nhiên, nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đã thử nghiệm nuôi chồn để thu cà phê. Mô hình này nổi lên tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên như Buôn Mê Thuột thời gian gần đây.

Cà phê làm từ chồn nuôi nhốt giá không cao bằng chồn tự nhiên. Đại diện một công ty cà phê cho biết sau khi thu mua phân chồn lẫn cà phê từ người nuôi, họ chế biến và bán với giá hơn 600 USD một kg. "Tuy nhiên chỉ khi nào có đợt đặt hàng chúng tôi với sản xuất", anh cho biết.

Dù Việt Nam có sản xuất cà phê chồn, thậm chí có loại hảo hạng, nhưng cho đến nay cà phê Kopi Luwak của Indonesia vẫn nổi tiếng là đắt nhất thế giới và được nhiều người biết đến hơn, đại diện của Trung Nguyên chia sẻ.

Ở trong nước, với mức giá "trên trời", cà phê chồn vẫn là khái niệm xa lạ với đa số người dân, có chăng họ mới chỉ có cơ hội nếm cà phê chồn "hương liệu". Một tín đồ ghiền cà phê là anh Trung Hiếu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã uống phải cà phê chồn nhái khi vào các quán trưng biển "Cà phê chồn" hoặc được bạn bè biếu và không thấy có gì đặc biệt, thậm chí mùi vị còn khá tệ. "Nhiều quán in tên 'Cà phê chồn' trong menu, giá cao lắm cũng chỉ vài chục nghìn đồng một ly nên tôi biết ngay là đồ dỏm", anh nói.

Với đại đa số người sành cà phê, việc tìm cà phê chồn để thưởng thức dù ở Sài Gòn hay Hà Nội là điều không thể. Anh Hùng, nhân viên một quán cà phê lớn ở Hà Nội nói thẳng: "Ở mấy quán từ Nam chí Bắc làm gì có cà phê chồn, chỉ có loại hương chồn và đó cũng chỉ là cái tên ăn theo mà thôi".

a
08-12-2010, 05:28 PM
Còn có cà phê chim

Cà phê chồn thực sự là có thật, nhưng theo tôi thấy hiện nay trên thị trường thật giả lẫn lộn. Ngay cả cà phê bình thường mà mọi người đang uống cũng chưa hẳn là nguyên chất, thường thì đã bị pha tạp chất vượt quy định, trộn hoá chất hương vị quá lượng cho phép. Ngoài cà phê chồn ra, còn có 1 loại đặc sản nữa là cà phê chim. Cái này thì tôi đã tận mắt thấy. Cà phê rất có giá trị, vì thế cà phê được trồng rất nhiều, khắp mọi nơi, và lúc đó chim chóc cũng nhiều. Đến mùa thu hoạch, tôi thường thấy những hạt cà phê tróc vỏ nằm đầy dưới gốc cây, đó là do chim thú ăn. Chim thú thường chỉ ăn những trái cà phê ngon nhất, nên mẹ tôi thường hay thu gom những hạt cà phê này về để làm cà phê uống. Hương vị rất ngon và đặc sắc.

( Thiên Đức )


Cà phê Tây Nguyên còn nhiều điều cần khám phá

Tôi sinh ra ở mảnh đất mà cà phê. Cà phê Việt Nam vẫn là ca phê nổi tiếng ngon số một. Thế nhưng thật dáng buồn chúng vẫn chưa khám hết tiềm năng mà cà phê của chúng ta có. Chúng ta đứng số 2 thế về xuất khẩu cà phê nhưng đứng thứ bao nhiêu của thế giới về sản phẩm cà phê. Tôi từng được nếm cà phê chồn nguyên chất của một người bạn ở Đăk Nông. Vị ngon thật đặc biệt nó ngon giá thành lại cao ??? Sao nước mình không nghiên cứu để đưa vào sản xuất tăng thu nhập cho nông dân, vùng đất tây nguyên nghèo đói nhỉ.

( angle nguyễn )


--------------------------------------------------------------------------------

Cà phê chồn có thật, còn quy trình của Trung Nguyên phải suy nghĩ lại

Nhà tôi trồng cà phê từ những năm 80, khi vừa khai hoang vùng đất rừng Xuân Lộc, lúc đó chồn rất nhiều. Vào mùa thu hoạch cà phê, chồn lựa ăn những hột chín nhất. Nhưng nói thiệt thấy nó ăn đã khó (nó thấy mình tới gần là chạy mất rồi) chứ đừng nói tới việc nhìn thấy nó xả để mình hốt sản phẩm thải của nó để mà xử lí trong vòng 24h. Hồi đó, thông thường một mùa cà phê 5 hecta cuối mùa tôi hốt phân chồn cỡ gần 1 kí, mà lúc lượm phân đã khô rồi chỉ cần cầm hạt cà phê bóp nhẹ là đã tách được vỏ, chỉ việc đem về rang thôi. Cà phê chồn trước kia là có thật nhưng giờ mà nói Trung Nguyên làm theo quy trình công phu như vậy chỉ có ... nuôi chồn.

( kaka )


3.000 đô chả đắt mà cũng không rẻ

Mình đã từng thưởng thức cái thứ của "giời ơi" này rồi, ngon thì ngon thiệt, vì mình chuyên uống cà phê đen (hơi nhiều đường). Tuy nhiên, để thương mại hoá nó thì TUYỆT ĐỐI KHÔNG THỂ. Ông Nguyên Vũ của Trung Nguyên nói hơi quá. Dân chúng mình đi rừng thi thoảng lượm được MỘT "cục thèo lèo" của chồn thải ra hồi nảo hồi nào, có lúc khô quắt lại trên tảng đá là đã quý lắm rồi, nếu ông đặt tiêu chí "phân chồn 24h" mới dùng làm nguyên liệu cho cà phê của ông thì giá USD 3.000 USD là quá rẻ! Đơn giản thôi, mỗi buổi sáng ông thử điều một đại đội lên rừng tìm về mả đủ 1 kg nhân hạt "24h" như ông nói thì mình sẵn sàng chìa cổ cho ông "chém" giá nào cũng mua. Vậy tiền công của một đại đội trong một ngày là bao nhiêu? (Đó là chưa kể cách chế biến của ông hơi cầu kỳ, dân mình thì chỉ rang bằng mỡ gà là đã "chơi sang" lắm rồi)

Còn tại sao mình nói không rẻ? Vì với thu nhập của dân Việt Nam thì chả ai dám mua với giá đó cả. Cái đứa đủ sành cà phê, uống là nhận ra ngay thì không đủ tiền mua. Còn cái người đủ tiền mua thì phần lớn uống không phân biệt được. Thậm chí còn mang đi pha cà phê sữa đá nữa thì đúng là ... "phí của giời". Vì thế, cà phê chồn chỉ là huyền thoại và là "lộc trời" của dân đi rừng thứ thiệt và cũng chỉ có dân rừng thôi chứ mấy tay nhân viên của các công ty thì chưa chắc phân biệt nổi đâu là "đống" của cẩu, đâu là "thèo lèo" của chồn. Còn dân du lịch đừng nên tưởng bở, có khi lượm được của quý của mấy chú cẩu thì nó thối 3 ngày rửa tay không sạch đâu!!!

Còn có nhiều bạn bảo chồn nuôi cũng như chồn tự nhiên là chưa thực tế. Theo mình, không bao giờ chồn nuôi cho sản phẩm bằng chồn tự nhiên cả, dù chính con chồn ấy bạn mới bắt hôm qua từ rừng về. Lý do: chồn tự nhiên chỉ ăn khi vườn cà phê tĩnh lặng, nó tự đi tìm cái món ngon nhất của nó, còn chồn nuôi thì "bị" ăn vì đói. Vì thế, nếu bạn lên Daklak mà có ai mời cà phê chồn thì nên hỏi là cà phê mua hay tự rang rồi hãy đánh giá nhé.

( Nguyen Van Liem )


Ý kiến các bạn ra sao??
Mình thì tiếc là không được lên tây nguyên 1 chuyến, chắc ở đó cà phê chồn không đến nỗi đắt thế????

Obama02
08-12-2010, 05:37 PM
M nhớ ko nhầm thì cũng đọc về Cafe Chồn ở đâu rùi :D
từ từ rùi ta sẽ thử :)), giờ về nấu ăn đã, mệt rùi :((

anna
08-12-2010, 06:09 PM
http://vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/F0/C4/abcd.jpg
Chồn ăn hạt cà phê ngoài tự nhiên sẽ cho ra những hạt cà phê thơm ngon hơn cà phê từ chồn nuôi nhốt. Ảnh: amusingplanet.com
.
nhìn em chồn này kute quá!:)

a
08-13-2010, 08:29 AM
M nhớ ko nhầm thì cũng đọc về Cafe Chồn ở đâu rùi :D
từ từ rùi ta sẽ thử :)), giờ về nấu ăn đã, mệt rùi :((

Chắc là đọc trên vnexpress nhỉ :">