PDA

View Full Version : Câu chuyện Kiến trúc và Hoài bão của thanh niên trẻ Việt Nam


bb91
07-18-2010, 10:59 PM
Một công trình muốn đẹp, bền vững, phải có thiết kế đẹp. Một khu vực, đất nước muốn đẹp, bền vững, phải có quy hoạch tổng thể hợp lý và tầm nhìn lâu dài.

Đầu thế kỷ 19, Eugene Haussmann, với tư duy quy hoạch và tầm nhìn vĩ đại đã giúp cho Napoleon III biến Paris từ một thành phố với “những con phố nhỏ bẩn thỉu và hôi hám, những ngôi nhà đen sạm, xấu xí, một môi trường bụi bẩn, nghèo khổ của những người ăn xin, người bán hàng rong, phụ nữ may vá, phụ nữ bán thuốc nước và mũ” (Jean – Jaques Rousseau) trở thành một thủ đô hiện đại, lộng lẫy, với những đại lộ thẳng tắp chạy xuyên qua thành phố, Paris của thế kỷ 20 là Kinh đô của ánh sáng.

Manchester đầu thế kỷ 19 cũng là một trong những cái nôi của cách mạng công nghiệp. Chúng ta biết đến Manchester hiện nay là một trung tâm toàn cầu về sáng tạo và công nghiệp tri thức, nhưng không biết rằng để có được thành tựu đó, Manchester đã phải trải qua 50 năm suy sụp với đầy những thách thức về thất nghiệp, bệnh tật, lạc hậu và bị bỏ rơi, để từng ngày xây dựng theo quy hoạch và tầm nhìn định sẵn.

Quay về với Kiến trúc Việt Nam, có câu đố vui: “Đố các bạn biết, phố hàng Đào ở đâu?”. Vì là câu hỏi vui, nên tôi trả lời luôn, đại loại là thế này: “Phố “hàng đào” ở khắp nơi, chỗ nào mà chả đào, Sài Gòn đào, Hà Nội đào, Tây Nguyên cũng đào, đâu đâu cũng đào, sáng cáp quang đào rồi lấp, chiều điện thoại đào rồi lấp, tối cống đào rồi lấp, nửa đêm nước đào rồi lấp, đào quanh năm, đào khắp nơi”. Vui mà buồn, vì sự thật là thế. Tại sao vậy, vì kỹ thuật không có quy hoạch, lắp đặt nước không nhìn cáp quang, điện thoại cũng chẳng nhìn internet, cứ như thế cái nọ chồng chéo cái kia, giao thông Việt Nam dưới đất thì đào lấp, trên cao thì từng bó từng bó dây rợ.

Hình ảnh tương tự khi chúng ta nhìn vào mặt tiền những ngôi nhà khắp Hà Nội, đủ thứ phong cách, trẻ trung có, già cỗi thực dân có, Pháp có, Nhật có, Hàn có, Tunisie có, mái vòm, mái thép, mái củ hành, có cả, lộn xộn và phi kiến trúc.

Còn rất nhiều ví dụ nữa trên thế giới về câu chuyện quy hoạch để phát triển bền vững. Tôi không lạm bàn chuyện kiến trúc, kẻo bạn lại tưởng tôi là một kiến trúc sư đang phân tích bới móc về quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Vả lại, kiến trúc đô thị không phải là chuyện một sớm một chiều mà thay đổi, đó cũng không phải là mục đích của bài viết này.

Tư duy dịch chuyển một chút, ngẫm ra cuộc đời của một con người cũng giống như sự tồn tại của một công trình, hay một đô thị, phàm nếu không có thiết kế, không có quy hoạch, thì ắt sẽ thành ra một thứ lộn xộn kiểu như “phố hàng đào” ở Việt Nam. Thế nên, cuộc sống của chúng ta có thể học được rất rất nhiều điều từ kiến trúc.

Bây giờ mới là câu chuyện tôi muốn kể, hình như, những khái niệm “tầm nhìn”, “viễn cảnh”, “ước mơ”, “hoài bão”,.. đối với thanh niên trẻ Việt Nam bây giờ là những khái niệm nực cười và viển vông. Nếu bạn không tin, thì có thể thử làm một thí nghiệm: Giờ chúng ta sẽ vào một lớp học, một trường học bất kỳ, cấp 2, cấp 3, hoặc đại học, hỏi tất cả các học sinh trong lớp đó 2 câu hỏi: “Hoài bão là gì?” và “Hoài bão của bạn là gì?”. Tôi tin và 99% thực tế là những câu trả lời sẽ rất lung tung, kiểu như: “hoài bão là ước mơ”, “hoài bão là mong muốn”, ..., hoặc sẽ chỉ là những nụ cười trừ. 1 tháng sau, nếu hỏi lại đúng 2 câu hỏi đó, với đúng những học sinh đó, 99% sẽ lại là những câu trả lời (nếu có thì) hoàn toàn khác.

Bạn có nhớ câu truyện “Alice lạc vào xứ sở thần tiên” không, có một đoạn hội thoại giữa Alice và con mèo cười Chết – Sữa Cheshire thế này:

Alice: Xin hãy nói cho tôi biết, từ nơi này, tôi sẽ phải đi đường nào?
Cheshire: Điều đó phần lớn phụ thuộc vào nơi nào mà cô muốn đi tiếp?
Alice: Tôi không quan tâm nhiều lắm tới nơi đó.
Cheshire: Vậy thì nơi nào cô đến cũng thế cả thôi.
Alice (giải thích thêm): Đủ dài để tôi đến một nơi nào đó,
Cheshire: Ồ, cô chắc chắn làm được điều đó, nếu như cô chỉ có thể đi.

Đấy, thế mà thanh niên trẻ Việt Nam cũng cứ hệt như đang ở xứ sở thần tiên vậy. Dường như học sinh Việt Nam không biết đi học để làm gì, cũng chẳng quan tâm đến việc đó lắm. Nên mới có những câu chuyện đại loại như: Sao cháu lại học Bách Khoa? Vì bạn cháu bảo trường ấy tốt! Sao cháu thi Ngoại Thương? Vì con bạn thân cháu thi trường đấy! Sao cháu chọn Kiến trúc? Cháu cũng chẳng biết!
Một bản thiết kế kiến trúc phải trả lời được những câu hỏi đảm bảo đến sự tồn tại của công trình:

- Công trình này sinh ra làm gì (làm siêu thị, làm quán karaoke, hay làm nhà ở)?
- Công trình đó phụ thuộc vào những điều gì (địa chất, thổ nhưỡng, hàng xóm, quy hoạch thành phố)?
- Tương lai công trình này trông như thế nào (Phối cảnh, tiểu cảnh)?
- Xây dựng công trình này như thế nào (Mặt cắt, mặt bằng, mặt bằng kỹ thuật,..)

Thiết kế cuộc sống, giống như khi thiết kế một công trình, bạn cũng phải tự đặt cho mình 4 câu hỏi:

- Tôi sinh ra làm gì (là bác sỹ cứu người, là ca sĩ nổi tiếng, là giáo viên, là luật sư,...)?
- Tôi có gì (3 năng khiếu, 3 tư chất)?
- Tôi muốn trở thành người như thế nào (bác sỹ xuất sắc, ca sỹ huyền thoại, giáo viên lỗi lạc, luật sư lỗi lạc,...)?
- Tôi làm gì để trở thành người như vậy (1 năm nữa tôi phải làm gì, 5 năm nữa phải làm gì, 10 năm nữa, 30 năm nữa)?

Một ngôi nhà, muốn xây cao thì phải đào móng sâu, một con người, muốn thành công lớn, nhất thiết phải hiểu rất rõ về mình. Thánh Augustine nói: “Con người đi khắp nơi để kinh ngạc trước những ngọn núi cao ngất, trước những ngọn sóng thần của biển cả, trước những dòng sông dài nhất, truớc sự hùng vĩ của biển khơi, sự đẹp đẽ của những vì tinh tú mà bỏ qua chính mình không một chút băn khoăn”.

- Bạn có năng khiếu gì? Kể ngay ra 3 năng khiếu bạn có?
- Bạn có tư chất gì? Kể ngay ra 3 tư chất mạnh nhất của bạn?
- Hoài bão của bạn là gì? Nếu không khó khăn nào có thể ngăn cản được bạn, thì bạn sẽ trở thành 1 người thành công như thế nào, hình ảnh người đó trong tâm trí bạn đẹp đẽ như thế nào?
- Trong vòng 1 năm tới, bạn sẽ phải đạt được thành tựu gì xuất sắc?
- Trong vòng 100 ngày tới, 3 việc gì bạn chắc chắn đạt phải làm được?
- Tháng này bạn phải hoàn tất công việc gì?
- Hàng ngày, bạn phải rèn luyện kỹ năng gì, thái độ gì?
- Cuối cùng, ngày này, tháng này, năm nay, bạn có gì xuất sắc so với cùng thời gian năm trước?

Đã bao giờ bạn trả lời những câu hỏi như thế? Đã bao giờ bạn đặt cho mình những câu hỏi như thế?

Một ngôi nhà sinh ra, không chỉ đơn thuần đứng một mình trơ trọi, nhất thiết nó phải nằm trong một tổng thể các công trình kiến trúc. Để có được một ngôi nhà đẹp, người kiến trúc sư bắt buộc phải có một quá trình phân tích hiện trạng và tư duy quy hoạch, để ngôi nhà đẹp đó không phá vỡ sự cân bằng kiến trúc của các công trình xung quanh. Nếu không có quá trình phân tích đó, chúng ta sẽ chỉ có những ngôi nhà kiểu “muôn hoa đua nở”, và một tổng thể kiến trúc rất mất thẩm mỹ.

Chúng ta thích những ngôi nhà đẹp, bạn cũng đồng tình với tôi khi dễ dàng bới móc về kiến trúc Việt Nam, kiến trúc Hà Nội, phải không? Nhưng bạn có sẵn sàng bỏ nhiều tiền thuê Kiến trúc sư để thiết kế cho mình một ngôi nhà đẹp?

Cũng như thế, bạn đã bao giờ thiết kế cuộc đời cho mình? Hay chúng ta cũng sẵn sàng biến cuộc sống của mình trở thành một ngôi nhà sống tạm?

you can win if you want


(nghethuatsong)

kelvin
09-14-2010, 09:18 PM
Đời người là một công trình kiến trúc và được phối hợp từ những nghệ thuật cuộc đời.:d

thang
09-14-2010, 10:44 PM
Chà, mọi thứ sẽ bắt đầu bằng việc qui hoạch lịch thời gian từ lúc wake up 6h sáng đến khi good night lúc 12h đêm.
và tiếp theo là kiến trúc chương trình từ T2 đến CN.
Làm đc thế này là đã đáng phục lắm rùi =:)