PDA

View Full Version : Tôi xây khu Đại Nam là mong muốn để lại cho đời


duyniceboy
05-17-2010, 12:26 PM
Từng là một doanh nhân nổi tiếng ở tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), một Đại biểu Quốc hội khoá 10 (1997-2002); nhưng giờ đây, con người ấy đang dành cả cuộc đời còn lại của mình cho một công trình tầm cỡ ở tỉnh Bình Dương - khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, rộng trên 450ha...

Nói như ông Dũng: “Đó là một công trình tâm huyết, máu thịt mà tôi mong muốn để lại cho đời”.

Chúng tôi gặp lại ông Dũng ở khu du lịch Đại Nam vào một buổi trưa hè nắng như đổ lửa. Khác với doanh nhân Huỳnh Phi Dũng cách đây 10 năm, lúc nào cũng bận bịu, tất bật, ông Huỳnh Uy Dũng (ông đổi tên đệm từ Phi thành Uy) hiện nay như trẻ hơn chục tuổi. Hơn 20 năm lăn lộn trên chốn thương trường để tạo dựng nên một gia sản vào hàng “khủng” nhất ở VN, ông Dũng cho biết đã tới lúc ông nghiệm ra một điều: “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”…

Cách đây hơn chục năm, nhắc đến ông, người ta nghĩ ngay đến một trong những nhà doanh nghiệp giàu nhất nhì VN, gần như tiên phong trên rất nhiều lĩnh vực. Duyên cớ nào dẫn dắt ông đến chốn thương trường?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Chưa học xong lớp 12, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, tôi lên đường nhập ngũ. Về công tác hậu cần ở quân khu 5, rồi quân khu 7, tôi được phân công chở heo tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường. Khổ nỗi, sau hành trình dài hàng trăm cây số, heo chở được tới nơi, thì chết ráo trọi. Trong lúc đó, tôi thấy muối ở bên đó lại hiếm. Vậy tại sao không chở muối lên bán, rồi mua heo cung cấp cho bộ đội ngay tại chỗ, tránh được heo chết, thịt heo tươi ngon hơn?

Những chuyến hàng sau, tôi chở muối lên bán mà không chở heo, bán muối xong, lấy tiền mua heo cho anh em. Ý tưởng, máu kinh doanh trong tôi manh nha từ những ngày tháng đó, lúc còn trong quân ngũ. Rồi sau đó, tôi chuyển về công tác ở Công an thị xã Thủ Dầu Một. Lãnh đạo tiếp tục giao cho tôi lo hậu cần. Thời điểm đó, thấy cuộc sống quá khổ, tôi bày ra trò làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp…

Cái tên Dũng “lò vôi” mà thiên hạ đặt cho tôi bắt đầu từ khi đó. Xí nghiệp “lò vôi” do tôi đầu têu làm ăn rất phát đạt. Tôi nhớ, lúc kết thúc, bán “lò vôi” để về nhận phụ trách Cty Thành Lễ, Xí nghiệp đã thu được số tiền kha khá, phân chia lại cho toàn thể anh em trong đơn vị, mỗi người nhận được mấy triệu đồng (vào lúc đó là lớn lắm, có thể mua nhà, đất ở).

Nhưng từ khi thực sự ra làm doanh nghiệp, đối mặt với thương trường, có dư luận cho rằng ông thành công nhờ một phần vào sự ưu ái của lãnh đạo tỉnh?

- Khi lãnh đạo tỉnh Sông Bé mời tôi về làm kinh tế cho tỉnh, tôi đã từng ra điều kiện: Hãy giao cho tôi một DN đang gặp khó khăn. Tôi sẽ vực dậy DN đó và không nhận một đồng vốn nào từ ngân sách nhà nước cấp. Bù lại, tỉnh phải chấp nhận: Nếu tôi làm cho DN đó có lời, phải thưởng cho tôi 10% trên tổng lợi nhuận; nhưng tiền thưởng đó phải lấy từ quỹ khen thưởng và phúc lợi. Còn nếu tôi làm cho DN đó bị thua lỗ, tôi sẽ phải móc tiền túi ra bồi thường; đồng thời, chịu trách nhiệm trước luật pháp.

Kèm theo đó, một điều kiện nữa: Tỉnh phải cho tôi toàn quyền chọn lựa nhân sự trong DN. Cuối cùng, lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc đó cũng chấp thuận các điều kiện trên và giao cho tôi làm GĐ Cty sơn mài Thành Lễ - vốn của một nhà tư sản, được tiếp quản sau giải phóng, nhưng đang trên đà phá sản. Đây cũng là quyết định táo bạo, vì lúc đó, chiếu theo các quy định của Nhà nước, với các điều kiện của tôi đặt ra là không thể áp dụng. Song, tỉnh vẫn giao cho tôi điều hành.

Việc đầu tiên, tôi đã chọn một nghệ nhân làm sơn mài lâu năm - về làm phó GĐ. Tiếp theo, tôi đã “lột xác” Cty Thành Lễ theo kiểu của tôi. Kết quả, ngay năm đầu tiên, Cty Thành Lễ đã lãi 28,8 tỉ đồng. Trong lúc thu ngân sách của Sông Bé vào những năm ấy, chỉ đạt 40 tỉ đồng, thì số lãi này của Cty là rất đáng kể. Nhưng lãi nhiều lại bắt đầu… sinh chuyện; thay vì phải thưởng cho cá nhân tôi 2,8 tỉ đồng như cam kết, nhưng lãnh đạo tỉnh… vì do quy định của Nhà nước lúc đó không cho phép.

Trong làm ăn kinh tế, ông luôn là người đi tắt và đón đầu. Ngay cả khi Nhà nước chưa có ban hành quy chế, ông đã đề xướng xây dựng hạ tầng KCN đầu tiên trên cả nước. Vì sao ông “liều” đến thế?

- Vào những năm 1990 - 1993, tôi thấy DN đầu tư vào tỉnh, xin giấy phép đầu tư căng quá; bởi phải có đất, có hạ tầng mới được cấp phép đầu tư. Nhưng khi đi xin đất xây nhà máy, chính quyền lại đòi phải có giấy phép đầu tư, mới chịu giao đất. Tại sao mình không xây dựng sẵn một khu nhà máy, xí nghiệp cho DN vào thuê đầu tư? Với ý tưởng đó, tôi đã làm dự án và xin được thực hiện thí điểm. Vậy là KCN Bình Đường ra đời. Khi đó, nhiều người nói tôi… hâm hâm đi làm KCN.

Tiếp theo là KCN Sóng Thần 1 hoàn toàn không cần vốn của Nhà nước. Ai ngờ, đó lại là hai KCN đầu tiên ở VN. TPHCM cũng lên tìm hiểu để về thành lập 12 KCN. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định về KCN, thì KCN Bình Đường và Sóng Thần 1 đã hình thành được mấy năm rồi. Do đón đúng nhu cầu phát triển, cả hai KCN ngay sau khi hình thành đã được lắp kín bởi các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Là giám đốc một DN nhà nước đang phát triển, ăn nên làm ra, có nhiều hoạt động kinh doanh như sơn mài, xăng dầu, chế biến hạt điều rồi quản lý KCN…, nhưng lý do nào khiến ông đã quyết từ bỏ để tự mình đầu tư xây dựng khu du lịch nổi tiếng này?

- Từ lâu tôi đã có ước nguyện làm được một việc gì đó có giá trị để lại cho đời. Với ước nguyện đó, khi làm ăn có tiền, tôi đến đây mua đất. Khu đất rộng lớn này là tôi tích cóp mua dần trong nhiều năm, sau đó làm thủ tục thuê lại của Nhà nước. Sau khi nghỉ việc Nhà nước, tôi coi mình như đi nghĩa vụ quân sự, chia tay gia đình ở thị xã đông vui, lên đây dựng chòi cùng hai kỹ sư trẻ và một số người cộng sự thực hiện hoài bão. Tất cả những gì hiện hữu hôm nay đều là ý tưởng của tôi và được các cộng sự thực hiện.

Có người bảo tôi, với hơn 450ha đất dành xây khu đô thị bán, sẽ ra bao nhiêu tiền của, vậy mà mang đi xây khu du lịch, tốn kém hàng ngàn tỉ đồng, nhưng lại lượm bạc lẻ… Họ cho tôi điên, chơi ngông… Quả thật như vậy, xây dựng khu du lịch Đại Nam, nếu tính toán kinh tế sẽ không ai đầu tư. Tôi xây dựng công trình này hoàn toàn không vì lợi nhuận mà mong muốn góp công sức để lại cho đời, cho mọi người.

Khu du lịch rộng lớn là chuỗi các đình, đền, tường thành, núi non, sông nước, biển nhân tạo, vườn thú, khu vui chơi giải trí v.v... được xây dựng trải dài gần 20km, trên một diện tích đất rộng hàng trăm hécta. Đặc biệt, với đền thờ Đại Nam - điểm nhấn của cả khu Đại Nam, cùng hệ thống tường thành dài 13km, được thiết kế với nhiều tượng, phù điêu dát vàng, tái hiện lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước VN trải qua 4.000 năm. Hạng mục nào cũng hướng về cội nguồn, gợi nhớ công ơn tổ tiên...

Nói như một lãnh đạo tỉnh Bình Dương, “không dễ gì làm được một khu du lịch hướng về cội nguồn, có bản sắc dân tộc như thế, nếu như người đẻ ra nó không có một tấm lòng”. Trong khi đó, theo ông Dũng: “Tôi sẽ làm di chúc cho gia đình, con cháu của tôi: không được mang khu Đại Nam ra thế chấp ngân hàng, không được bán buôn khu Đại Nam như bất động sản... Con cháu chỉ được thừa kế tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, mà không được thừa kế như tài sản để có quyền mang ra chia chác bán buôn... Vì vậy, hiện tôi không còn là một nhà doanh nhân như xưa”.

Nghe nói khu du lịch Đại Nam Văn Hiến ông xây dựng không chỉ thu hút du khách mà ngay cả chim yến cũng kéo về làm tổ?

- Lúc tôi xây 5 ngọn núi cao phía sau đền Đại Nam cốt tạ ơn, hiến dâng trời đất, tổ tiên. Cả đời tôi có biết con chim yến là gì, càng không biết nuôi nó ra sao. Thật kỳ lạ, núi xây xong, lập bàn thờ bách gia trăm họ, không biết chim yến từ đâu kéo về hàng đàn làm tổ. Hiện nay, ước có tới 6.000 con chim yến, mỗi tháng thu được 15kg yến sào; khả năng năm sau là 30 kg/tháng. Mỗi kilô yến sào khoảng 40 triệu đồng. Mỗi năm, thu hoạch yến sào cũng tròm trèm 6 tỉ đồng. Tôi có thêm nguồn kinh phí để đầu tư lại cho khu du lịch.

Gần đây, người ta thường thấy một người đàn ông cưỡi chiếc xe gắn máy Wave Alpha, chạy lòng vòng trong khu du lịch Đại Nam. Ít ai biết, đó chính là ông chủ của cả cơ ngơi khu du lịch có giá gần 3.000 tỉ đồng này. Bình thường, ông giản dị như mọi nhân viên đang làm việc tại khu du lịch Đại Nam.

Ông Dũng cho biết: “Mỗi ngày, tôi ăn chưa tới… 50.000 đồng. Một tháng, tôi ăn chay 4 ngày. Vậy mà hơn bao giờ hết, tôi thấy cuộc đời của mình hạnh phúc và thanh thản như bây giờ. Trước đây, lúc thăng trầm, cái tâm lúc nào cũng động, cũng dữ dội. Nhưng từ khi tôi ngộ ra một điều: con người ta gặt hái được thành quả, ắt phải “đụng” nhiều. Đụng càng nhiều, tuệ càng rộng mở, thì đó cũng là lẽ tự nhiên”.

Bây giờ nhắc đến Huỳnh Uy Dũng người ta còn biết đến là tác giả của hàng chục tác phẩm thơ với hàng nghìn câu thơ mang đậm chất giáo lý Phật học, chạm đến chất sử thi hùng tráng của dân tộc 4000 năm dựng nước và giữ nước. Điều gì thôi thúc ông sáng tác thơ?

- Ban ngày tôi điều hành, quản lý hoạt động khu du lịch, ban đêm tôi thức viết thơ. Thật lạ, những dòng thơ tôi viết ra như có lập trình sẵn trong đầu, cứ ngồi viết là tuôn chảy. Thơ tôi chẳng qua lấy hàng vạn những giọt nước mắt trằn trọc năm canh, tự đánh mình những dấu hỏi lớn về huyền vi của vũ trụ, về sự đen bạc của tình đời; chẳng qua bằng trăm ngàn lần tao ngộ với nghịch cảnh thương đau mà thấu ra được chút “tuệ tu”, nên mạo muội viết đôi dòng…, gọi là đền ơn trời phật, đất nước, tổ tiên, cha mẹ. Tôi xây dựng khu du lịch Đại Nam Văn Hiến và viết nên những dòng thơ của lòng mình cũng đều xuất phát từ cái tâm như vậy đó.

Xin cảm ơn ông!

Trương Đăng - Hoàng Hưng thực hiện
Nguồn: Lao động cuối tuần

duyniceboy
05-17-2010, 12:27 PM
@@ ông này có đầu óc kinh doanh ghê thật

anna
05-17-2010, 02:16 PM
>>một doanh nhân giỏi có tâm và có tầm nhìn!!!

phonglinhtim
05-19-2010, 09:55 PM
Giờ mới biết ông chủ khu du lịch này có suy nghĩ sâu sắc và có tầm nhìn rộng thế.
Đến giờ mình vẫn chưa có dịp ghé thăm khu du lịch này ^^