PDA

View Full Version : Thăm những nơi sắp biến mất tại châu Á


phonglinhtim
04-23-2010, 05:07 PM
- Tờ Newsweek vừa công bố danh sách 100 địa điểm nổi tiếng trên thế giới (như Everest, đảo quốc Maldives, Bangkok... tại châu Á) có nguy cơ biến mất do hiện tượng ấm lên toàn cầu và những biến đổi địa lý khác thường.

1. Bang Gujarat, Ấn Độ

Đây là một trong những nơi sản xuất muối và bông quan trọng nhất của Ấn Độ, đồng thời là quê hương của người sáng lập ra Ấn Độ Mahatma Gandhi. Năm 2005-2006, mưa lũ đã gây ngập nặng bang này, cướp đi mạng sống của hàng ngàn người. Dự báo Gandhi sẽ ngày càng hứng chịu thêm nhiều trận bão lũ bất thường do biến đổi khí hậu.

2. Đảo quốc Maldives

Maldives nằm ở Ấn Độ Dương, gồm có 1.200 đảo lớn nhỏ. Nơi này nổi tiếng với khung cảnh đẹp như tranh vẽ: những bãi biển trắng phau, rừng cọ bạt ngàn, những rặng san hô nhiều màu sắc và ánh nắng chan hòa.

80% diện tích Maldives cao hơn mực nước biển chưa đầy 1m. Nếu nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu, sớm muộn gì "thiên đường cảnh đẹp" này cũng sẽ bị đại dương nuốt chửng.

3. Bangkok, Thái Lan
Nằm ở vùng châu thổ Chao Phraya, Bangkok là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - giáo dục của Thái Lan. Do nằm ở vùng trũng nên nơi đây thường xuyên bị lũ lụt đe dọa khi mùa mưa đến.

Bên cạnh đó, do cấu tạo địa chất yếu, quá trình đô thị hóa quá mức và nạn khai thác nước ngầm bừa bãi, đất nền Bangkok hiện đang bị lún rất nhanh. Dự báo phần lớn thành phố này sẽ bị chìm dưới biển vào cuối thế kỷ này.

4. Cherrapunji, Ấn Độ

Cherrapunji nằm ở độ cao 1.290m so với mực nước biển, có lượng mưa hàng năm lớn nhất thế giới. Ngoại trừ thời gian từ tháng 3 đến tháng 10, bốn tháng còn lại ở nơi này thường khô khốc.

Ở Cherrapunji không có hồ trữ nước mưa. Do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, phá rừng, xói mòn đất trồng, người dân khu vực này thường không có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô.

5. Quần đảo Komodo, Indonesia
Komodo nổi tiếng là nơi có vùng biển sạch và thế giới sinh vật biển nhiệt đới phong phú và là "thánh địa" của các thợ lặn khắp thế giới. Nó còn nổi tiếng với loài thằn lằn lớn nhất thế giới - Rồng Komodo.

Mực nước biển dâng cao hiện đang đe dọa đến sự tồn tại của rừng đước ven biển và các bãi biển. Trong khi đó hiện tượng axit hóa và nhiệt độ nước thay đổi có thể giết chết các rạn san hô quanh đảo.

6. Đầm lầy Kushiro, Nhật Bản
Nằm ở Hokkaido, Nhật Bản, đầm lầy Kushiro là nơi sinh sống của khoảng 1.200 con sếu đầu đỏ - loài chim quý hiếm trên thế giới. Tuy nhiên do sự xâm nhập quy mô lớn của con người và nước biển dâng, Kushiro bị thu nhỏ dần năm này qua năm khác, khiến không gian sống của sếu đầu đỏ cũng giảm đáng kể.

7. Sông Indus, Pakistan

Sông Indus bắt nguồn từ các sông băng ở Himalaya, dài hơn 3.000 km. Indus là nguồn dinh dưỡng cho nhiều khu rừng, làng mạc nằm dọc sông, trở thành nguồn thủy lợi cực kỳ quan trọng.

Các nhà khoa học dự báo sự sụt giảm các sông băng và lượng mưa thất thường có thể gây nên tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng tại địa phương.

8. Đảo Bernoe, Indonesia
Bernoe là đảo lớn thứ ba thế giới. Khoảng 50% diện tích đảo là các cánh rừng nguyên sinh, dưới những cánh rừng này là nơi sinh sống của rất nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Do nạn phá rừng bừa bãi, các khu rừng nhiệt đới trên đảo đang ngày càng bị thu hẹp. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng khiến nhiều quần thể thực vật tại đây bị tuyệt chủng. Nhiệt độ cao, không khí khô cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.

9. Dãy Altai, Siberia
Nằm ở miền nam Siberia, dãy Altai là nơi có rất nhiều thảm thực vật vùng cao, từ thảo nguyên, thảo nguyên-rừng, rừng hỗn hợp, thực vật vùng phụ cận núi cao và thực vật vùng núi cao. Nơi đây còn có nhiều động vật quý hiếm như báo tuyết.

Từ cuối thế kỷ trước, nhiệt độ trong khu vực tiếp tục tăng và theo dự báo của các nhà nghiên cứu, tầng đất bị đóng băng có thể biến mất trong vài chục năm tới, đe dọa tới hệ sinh thái đa dạng độc nhất vô nhị nơi này.

10. Núi Qomolangma

Núi Qomolangma (thường được gọi là Everest) là núi cao nhất thế giới, cũng là "nhà" của rất nhiều động vật quý hiếm như báo tuyết, gấu trúc nhỏ…

Theo các nhà khoa học, khoảng 2/3 các sông băng ở đây đang tan chảy. Hiện tượng này có thể dẫn tới sự mở rộng nhanh chóng các hồ băng, gây ra thảm họa tự nhiên như lũ lụt, lở đất.

MINH ANH

nhanvatso1
04-23-2010, 11:58 PM
Nghe đồn VN sẽ biến mất toàn bộ trong 200 năm nữa nếu nc biển cứ dâng

Sand
04-24-2010, 08:49 AM
Haizzz... lo bò trắng răng 200 năm nữa đủ cho S sống thêm từ 3 đến 4 kiếp người!

Buồn nhất là "Đảo quốc Maldives" ... cả đời chưa bao giờ có dịp đặt chân đến ... không biết bao giờ mới có thể đến đó mà đã bị xóa sổ sớm thì buồn lắm lắm luôn á(_ _`)Mất đi 1 cảnh tiên dưới hạ giới ...

phonglinhtim
04-24-2010, 11:22 PM
Rất muốn đi du lịch ở những nơi này,nhưng lại ko có đủ điều kiện kinh tế,không biết khi có đủ rồi thì những nơi này còn tồn tại không nhỉ?

phonglinhtim
05-07-2010, 05:57 PM
Những nơi sắp biến mất khỏi châu Mỹ

TTO - Toàn cầu ấm lên và những thay đổi địa lý khác thường sẽ cướp đi của "hành tinh xanh" những nơi vốn là niềm tự hào bao đời.

Dưới đây là 10 nơi nổi tiếng nhất châu Mỹ có thể biến mất do biến đổi khí hậu, theo công bố của tạp chí Newsweek.

1. Kauai, Hawaii, Mỹ
Là đảo lớn nhất trên quần đảo Hawaii, Kauai là một trong những nơi ẩm ướt nhất Trái đất. Phần lớn diện tích đảo bị sương mù che phủ. Những khu rừng tươi tốt và phủ đầy rêu trên đảo là nơi sinh sống của loài honeycreeper Hawaii - một loài chim quý hiếm có màu sắc sặc sỡ.

Các nhà khoa học dự báo những thay đổi dù nhỏ cũng sẽ kéo theo những biến đổi cục bộ trên quy mô lớn trên đảo, đặt hệ sinh thái riêng biệt của đảo dưới sức ép lớn.

2. Biển Caribbean

Các dải san hồ ngầm ở biển Caribbean là nơi cư trú của 4 loài rùa biển quý hiếm. Mực nước biển dâng, nhiệt độ nước biển tăng, đại dương bị axit hóa, những cơn bão khắc nghiệt... tất cả có thể phá hủy bãi biển - nơi rùa đẻ trứng, cũng như đe dọa các dải san hô ngầm - nơi rùa sinh sống.

Do nhiệt độ nước biển có ảnh hưởng đến giới tính của loài rùa, các nhà khoa học lo ngại sự sụt giảm số rùa đực sẽ đe dọa đến sự tổn tại của các loài rùa quý hiếm ở Caribbean.

3. Recife, Brazil
Recife nằm ở đông bắc Brazil, là trung tâm thương mại sầm uất và là lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Nơi đây nổi tiếng với khí hậu mát mẻ và những bãi biển trắng phau.

Cũng như Rio De Janeiro và Argentine Buenos Aires, Recife đang đối mặt với mối đe dọa từ nước biển dâng, bão và dông tố. Tình trạng thoái hóa các rặng san hô cũng đang đặt cả thành phố trước nguy cơ bị ngập lụt.

4. Chicago, Illinois, Mỹ
Từ khi được thành lập vào những năm 1830, "thành phố gió" Chicago trở thành trung tâm vận tải, công nghiệp, tài chính và giải trí ở vùng trung tâm phía bắc Mỹ. Ngày nay, với dân số hơn 9,5 triệu người, Chicago là thành phố đông dân thứ ba ở Mỹ.

Trong những năm tới, Chicago sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều của các đợt nắng nóng và lũ lụt.

5. Chỏm băng Quelccaya, Peru
Là chỏm băng lớn nhất vùng Cordillera Oriental, nơi có những cánh đồng băng rộng lớn và những dòng sông băng màu trắng - xanh trải dài trên diện tích 70km2, chỏm băng Quelccaya cung cấp nước cho sông và suối ở các thung lũng phía dưới. Từ năm 1978, chỏm băng Quelccaya bị mất gần 20% diện tích bề mặt và có thể hoàn toàn biến mất vào cuối thế kỷ này.

6. Rio de la Plata, Uruguay

Nước ngọt từ các sông Paran và Uruguay "đụng" với nước biển từ nam Đại Tây Dương là cửa sông Rio de la Plata. Đây là nơi bồi đắp những dải đất phì nhiêu màu mỡ, tạo môi trường sống cho nhiều loài quý hiếm như cá heo La Plata. Các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu có thể gây ngập lụt khu vực này.

7. Charlevoix, Quebec, Canada
"Thống trị" Charlevoix là các loài cây có quả hình nón và cây lá rộng như bulô, dương lá rung, thanh hương trà, dương. Đây cũng là nơi sinh sản lý tưởng của hơn 200 loài chim và là thiên đường của loài tuần lộc caribu, mèo rừng, gấu đen, nai sừng tấm Bắc Mỹ, chó sói đồng cỏ, chó sói lông xám Bắc Mỹ, bò rừng bizon, gấu xám Bắc Mỹ, hải ly và nhiều động vật có vú khác.

Tuy nhiên, sự tồn tại của các cánh rừng cũng như của các loài này đang bị đe dọa do nhiệt độ toàn cầu ấm lên.

8. Vịnh Western Hudson, Canada

Phần lớn thời gian trong năm, gấu trắng Bắc cực lang thang quanh vịnh Hudson đóng băng, tìm hải cẩu - món ăn chúng ưa thích. Ở khu vực phía tây của vịnh, tuyết bắt đầu tan chảy vào cuối xuân. Lúc này, gấu trắng Bắc cực sẽ ngủ đông, sống bằng chất béo dự trữ trong cơ thể cho tới khi biển lại đóng băng.

Tuy nhiên hiện nay, băng tan sớm hơn gần 3 tuần so với đầu những năm 1970, khiến loài gấu này gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm kiếm thức ăn.

9. Vùng châu thổ sông Mississippi, Mỹ

Sông Mississippi chảy từ bắc xuống nam, qua nhiều con sông, đầm lầy, các đảo chắn vùng đất thấp, cuối cùng đổ vào vịnh Mexico. Ở ven châu thổ sông Mississippi, quần đảo Chandeleur hình thành một vùng đệm tự nhiên, giúp các khu vực bờ biển đông dân của Louisiana, trong đó có New Orleans, chống lại các cơn bão ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ.

Biến đổi khí hậu và thay đổi địa lý có thể làm mất các vùng đệm này, đe dọa đời sống người dân.

10. Trinidad, Cuba

Thành phố Trinidad nổi tiếng với những công trình kiến trúc xây từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, được bảo tồn khá tốt và được UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Cũng như nhiều vùng khác của Cuba, Trinidad nằm trên đường đi của các cơn bão lớn, đe dọa đến an toàn của người dân địa phương và các công trình kiến trúc. Hiện người dân Cuba đang tìm cách xây những ngôi nhà vững chãi hơn để chống chọi với bão dữ.

TƯỜNG VY (Theo Xinhua; Ảnh: huanqiu.com)

phonglinhtim
05-07-2010, 06:04 PM
Những nơi sắp biến mất khỏi châu Âu

TTO - Nếu như châu Á có nguy cơ mất Everest, đảo quốc Maldives, đảo Komodo... do biến đổi khí hậu thì châu Âu cũng hứng chịu mất mát không nhỏ: thung lũng Olympia - nơi khai sinh Thế vận hội, Copenhagen - thủ đô Đan Mạch, sông Thames - "linh hồn" London...

Dưới đây là danh sách 10 nơi nổi tiếng có thể bị biến mất khỏi châu Âu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thay đổi địa lý, theo bình chọn của tạp chí Newsweek:

1. Thung lũng Olympia, Hi Lạp

Là nơi khai sinh Thế vận hội, Thung lũng Olympia nằm trên bán đảo Peloponnese, miền nam Hi Lạp. Những năm gần đây, sau hàng loạt vụ núi lửa phun, thời tiết ở đây trở nên cực kỳ khô, nóng. Năm 2007, cháy rừng đã quét qua và tàn phá nghiêm trọng khu vực này, rất may là toàn bộ di tích vẫn nguyên vẹn.

2. Copenhagen, thủ đô Đan Mạch
Copenhagen từng là trung tâm thương mại hồi thế kỷ 12 nhờ vị trí địa lý thuận lợi. Hiện mực nước biển dâng đang đe dọa sự tồn tại của thành phố cổ này. Các kỹ sư và kiến trúc sư đang tìm cách giảm nguy cơ lũ lụt từ một số dự án ngầm như hệ thống xe điện ngầm. Tuy nhiên để cứu khu vực lịch sử này, họ cần phải tăng cường bảo vệ bờ biển.

3. Rotterdam, Hà Lan

Khoảng 1/2 thành phố Rotterdam nằm thấp hơn mực nước biển. Hàng trăm năm qua, cảng biển quan trọng này nhờ vào các con đê và đập nước mới tránh được sự "xâm lấn" của nước biển. Vào cuối những năm 1990, một trận bão đã tràn qua đê chắn sóng Maeslantkering, được thiết kế để bảo vệ thành phố trước những con sóng cao 4,88m.

4. Biển Wadden, Đan Mạch

Biển Waddenzee là một vùng liên thủy triều ở phần đông nam của Bắc Hải. Nó nằm giữa vùng duyên hải của phía tây bắc châu Âu lục địa và chuỗi các đảo trong quần đảo Frisia, tạo thành một vùng nước nông với các bãi lầy thoai thoải và các vùng đất lầy lội.

Mặt đất tại khu vực này được hình thành bởi các trầm tích do sóng biển và các dòng hải lưu mang tới. Theo các nhà khoa học, nếu mực nước biển tăng nhanh hơn dự báo, khu vực sẽ bị thiếu trầm tích để "tổ chức lại" mặt đất.

5. Thành phố Zahara De La Sierra, Tây Ban Nha

Được bao bọc bởi các đồng cỏ và rừng ovile trĩu quả, Zahara de la Sierra là một thành phố nhỏ nằm ở vùng đồi Andalusia, miền nam Tây Ban Nha. Thành phố này còn được gọi là "thành phố trắng" bởi phần lớn nhà cửa ở đây được sơn màu trắng. Olive là vụ mùa quan trọng ở đây. Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm có thể làm sa mạc hóa vùng đất xinh đẹp này.

6. Sông Thames, London
Hàng trăm năm qua, sông Thames là dòng sông quan trọng của London. Từ buổi đầu thời Trung cổ, thành phố London đã bắt đầu mở rộng bờ sông, khiến dòng chảy ngày càng bị thu hẹp. Mãi đến năm 1983, chính quyền địa phương mới xây đê cho sông Thames. Hàng năm nước lũ tràn qua London đều được kiểm soát. Tuy nhiên đối mặt với nguy cơ nước biển dâng, con đê này có thể không đủ sức chống chọi.

7. Principato di Lucedio, Ý

Principato di Lucedio là tên vùng đất nằm gần Trino, tây bắc Ý, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành sản xuất lúa gạo cho khu vực. Tên của khu vực này được đặt theo tên ông chủ điền trang Lucedio.

Nếu sự thực diễn ra đúng như dự báo, ngành sản xuất lúa gạo ở Principato di Lucedio sẽ bị đe dọa nghiêm trọng do lượng mưa giảm và sông băng trên dãy Alps tan chảy.

8. Biển Quần Đảo, Phần Lan

Biển Quần Đảo gồm có khoảng 40.000 đảo lớn nhỏ. Tình trạng ô nhiễm nơi đây đang kích thích các loài tảo tăng trưởng, kết quả là nước biển bị thiếu oxy, ảnh hưởng tới đời sống các sinh vật biển. Biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này và tổn hại đến đa dạng sinh học khu vực.

9. Hồ Batalon, Hungary

Hồ Balaton, thường được gọi trìu mến là "Biển của người Hungary", là hồ lớn nhất Trung Âu và là một trong những điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Hồ nằm giữa các khu đồi núi lửa nằm ở miền tây Hungary và dài gần 77 km. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm đã khiến hồ bị thu hẹp lại. Nếu điều này tiếp tục xảy ra, phần lớn hồ sẽ bị khô cạn.

10. Dalarna, Thụy Điển
Dalarna là một tỉnh nằm ở miền trung Thụy Điển và là nơi nghỉ mát ưa thích của nhiều người dân bản xứ. Nơi đây có rất nhiều loài cây, nhưng nhiều nhất vẫn là cây vân sam - nguồn nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp giấy của Thụy Điển. Tuy nhiên do toàn cầu ấm lên và sự sụt giảm lượng mưa vào mùa hè, lượng cây vân sam nói chung và các loài cây khác có thể sẽ ngày càng ít đi.

MINH ANH (Theo Xinhua)