PDA

View Full Version : Kỹ năng hòa hợp.


Sand
03-18-2010, 02:57 PM
Sự hòa đồng không chỉ cần có ở môi trường học đường, mà nó còn là kỹ năng không thể thiếu đối với con người hiện đại. Để làm việc hiệu quả hơn, cần phải học cách trình bày quan điểm về những vấn đề còn đang tranh cãi, cách trò chuyện, cũng như nghệ thuật đưa ra phản hồi về hiệu quả công việc. Đó là sự lắng nghe, chung sức, chia sẻ và nhất là biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác…

1. Lắng nghe: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Kỹ năng này phản ánh sự tôn trọng ý kiến của người nói, dù đó là ý kiến hoàn toàn trái ngược với quan điểm của bản thân. Hãy lắng nghe và cố gắng hiểu họ. Đừng theo đuổi những ý kiến sắp trình bày của mình, hãy chú ý những gì người khác nói. Cũng khoan vội có những lập luận phản bác hoặc tán thành (trong suy nghĩ, khi đang nghe), chỉ khi nghe xong bạn hãy có suy nghĩ cho quan điểm của mình sau đó. “Lắng nghe” là một trong những điều quan trọng nhất làm nên thành công cho hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Không lắng nghe, không thấu hiểu thì không thể có bất kỳ một sự hòa hợp nào.

2. Chung sức: Mỗi thành viên phải đóng góp trí lực cùng nhau thực hiện kế hoạch đã đề ra. Có nghĩa là, cả tập thể cần phải hiểu rõ mục đích cần đạt được là gì và có cùng chung khao khát hoàn thành nó. Sự hòa hợp ở đây là cố gắng tôn trọng những thành viên khác để hướng tới mục tiêu chung. Không ai có đầy đủ kiến thức về bất cứ một vấn đề nào, chỉ là đóng góp được nhiều hay ít mà thôi. Vì vậy, hãy thuyết phục mọi người bằng lý lẽ và dẫn chứng thực tế, không phải bằng cảm xúc ưa ghét.

3. Chia sẻ: Đưa ra ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm của mình khi gặp các tình huống tương tự trước đó. Người nào càng chia sẻ được nhiều kinh nghiệm quý giá của mình, hoặc đưa ra các ý kiến sáng suốt thì sẽ càng nhận được sự yêu mến và vị nể của các thành viên còn lại. Và một khi, mỗi thành viên nhận thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ, không khí làm việc sẽ cởi mở và tích cực hơn, hiệu quả hơn.

"Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Đây là kỹ năng mà mỗi người cần rèn luyện để hòa hợp, sẵn sàng đóng góp vào thành quả chung.

4. Tôn trọng: Để hòa hợp, cần phải biết tôn trọng mình và tôn trọng người đó là…

- Hãy đúng giờ.

- Không chỉ trích cá nhân: Mỗi người có mỗi cá tính và phong cách sống khác nhau. Vì vậy, không áp đặt, gắn mỗi cá nhân với ý kiến của họ. Chỉ thảo luận về ý kiến thôi, đừng chỉ trích riêng ai cả.

- Không thiên vị riêng ai theo cảm tính, thật sự hòa hợp là biết tôn trọng tất cả mọi người nói chung.

- Trình bày quan điểm bằng cách thuyết phục, hòa hợp, không tự ái và cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến trái chiều. Sau đó sẽ mềm mỏng, lịch sự chất vấn, phản biện nếu cần. "Trong tranh luận, người có ý kiến phản biện với ý kiến của mình là họ đang không đồng quan điểm với ý kiến mà mình vừa nêu chứ không phải họ đang chê bai con người của mình". Trong tranh luận, nếu tự ái nghĩa là mình đã đánh mất đi sự sáng suốt của bản thân, sự quyết đoán sẽ trở thành cố chấp.

Mỗi ngày, bạn đều phải giao tiếp với đồng sự tại công ty và cần sự hòa hợp trong những mối quan hệ đó. Vì vậy, bạn vẫn có thể tỏ ra mình vượt trội hơn người khác, chăm chỉ, chuyên tâm trong công việc, muốn cạnh tranh để thăng tiến… đó là tham vọng của bạn. Nhưng để thích nghi với nơi làm việc, để thành công, bạn phải điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp với môi trường xung quanh: phải hòa hợp, không có cách nào khác. Ngoại trừ, bạn cải tạo môi trường nơi đó theo quan điểm của bạn, hoặc rời bỏ đi nơi khác để tìm… Dẫu sao, sự hòa hợp cũng dễ thực hiện và có kết quả thiết thực hơn, bạn đồng ý thế không?

(st)

Sand
03-18-2010, 02:59 PM
Cẩm nang ứng xử khi là nhân viên mới.


Các bạn trẻ khi nhận nhiệm vụ mới đều rất phấn khởi với công việc được phân công cũng như các điều kiện chính sách mà công ty dành cho. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, một số trụ lại được và thành công, số khác phải rời bỏ để tìm công việc khác. Lý do chính của hầu hết những người phải rời bỏ là không thích nghi được với môi trường làm việc.

Những cách sau sẽ giúp bạn ứng xử một cách tích cực trong mối quan hệ với đồng nghiệp:

Đừng tị nạnh so sánh với người khác.

Nếu làm việc xuất sắc thì một ngày nào đó bạn sẽ trở thành sếp. Nhưng trước mắt, cho dù bạn giỏi, có bằng cấp cao hơn các đồng sự chăng nữa thì bạn cũng hãy đừng ảo tưởng và sớm nhiễm tính tị nạnh so sánh. Bạn có quyền kiêu hãnh một chút, đầy tự tin nhưng hãy khoan phân bì về khả năng, bằng cấp, chức vụ, lương bổng … với người khác. Chính sự chủ quan, tự đắc là nguyên nhân khiến cho mọi người không thân thiện với mình.

Đây chỉ là điểm khởi đầu mà thôi, bạn hãy đừng vội phàn nàn về thu nhập hoặc khả năng của các đồng sự. Mà hãy thu thập kinh nghiệm, cố gắng thể hiện năng lực và đóng góp cụ thể các thành tựu cho công ty.

Xử lý các khó khăn nhanh chóng.

Bạn và đồng nghiệp không cần bắt buộc với phải thích nhau, nhưng các bạn phải tiếp tục làm việc với nhau một cách bình đẳng và cố gắng hết sức cho công việc. Hãy kiểm soát tình cảm và những cơn phẫn nộ tức giận của bạn bằng cách nên nghĩ trước khi nói và hành động. Chỉ cần một lời bình luận hoặc lời nói thiếu suy nghĩ có thể gây ra các hậu quả rất nghiêm trọng mà bạn không thể dự đoán trước được.

Không làm hết mọi việc cho đồng nghiệp.

Không có gì sai khi bạn cởi mở, thân thiện và hay giúp đỡ người khác. Tuy nhiên đừng gây “ấn tượng” bằng cách làm các công việc của người khác trong khi bản thân họ không tự sắp xếp thời gian để làm.

Thiết lập các giới hạn.

Thiết lập các giới hạn ở đây nghĩa là thiết lập các giới hạn nói về đời tư cá nhân và các chi tiết của cuộc sống bên ngoài công việc. Lời cảnh báo chung đối với tất cả mọi người: Để giữ hoà khí thân thiện thì tốt nhất là những quan điểm phán xét về tôn giáo, chính trị và đạo đức của bạn đều không nên nói lung tung.

Bạn có thể trò chuyện với các đồng nghiệp khi nghỉ giải lao uống cà phê hoặc ăn trưa nếu bạn muốn cập nhật thông tin. Không nên để cuộc trò chuyện trong thời gian làm việc kéo dài tới hơn 20 phút về một thứ gì hoặc một ai đó. Nhớ rằng bạn là một người làm chuyên môn và công việc của bạn là ưu tiên hàng đầu.

Thích nghi với môi trường làm việc.

Khi bắt đầu làm việc trong môi trường mới, điều quan trọng là bạn phải học cách thích nghi với môi trường đó, nếu không bạn sẽ trở nên lạc lõng và tự cô lập mình. Có thể đây là điều quan trọng nhất. Bởi vì, có kỹ năng chuyên môn tốt, luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ nhưng nếu bạn kém thích nghi, không hòa hợp với mọi người, bị thuộc vào nhóm nhân viên bị “tẩy chay” thì chỉ cần lỗi lầm, va vấp nhỏ cũng có thể trở thành vấn đề rất nghiêm trọng đối với bạn. Do đó, hãy dành chút thời gian chủ động tạo các mối quan hệ có lợi cho cả hai bên với các đồng nghiệp và gia đình của bạn. Chúng sẽ đem đến cho bạn rất nhiều lợi ích đấy.

Tóm lại, các bạn trẻ khi là nhân viên mới bắt đầu đi làm, cần chuẩn bị cho mình tính kiên nhẫn, tự tin, cầu tiến và khả năng làm việc tập thể. Đừng đòi hỏi quyền lợi cho mình quá nhiều hoặc tị nạnh so sánh với người khác mà hãy thể hiện giá trị bản thân, khả năng chia sẻ và sự đóng góp của mình. Chắc chắn là những nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng.