PDA

View Full Version : Gốc, ngọn nuôi nhau


bb91
02-24-2010, 01:08 AM
TT - Gần đây trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, cụm từ “an ninh lương thực” được dùng nhiều và diễn giải nhiều chiều, nhưng hầu như chỉ có một yêu cầu là để “nuôi đồng bào và nhân loại”. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, bởi chỉ nói đến “nuôi ngọn” chứ chưa nói “nuôi gốc”, mà nếu không có”gốc” thì làm sao có “ngọn”?!


Các nước phát triển đã giải bài toán này từ lâu rồi - từ sau khi hoàn thành công nghiệp hóa. Nước Mỹ hiện chỉ còn chưa đầy 1 triệu lao động nông nghiệp mà nuôi ăn cho hàng trăm triệu người Mỹ, nước Pháp chỉ khoảng 1 triệu lao động mà cũng nuôi được cả quốc gia. Trong khi đó, hai nước này thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu bắp, đậu nành, thịt bò, sữa và các sản phẩm từ sữa và hoa quả.

Được vậy là trong quá trình công nghiệp hóa họ đã đồng thời giải bài toán cân bằng gốc - ngọn tương đối hài hòa - gốc ngọn nuôi nhau. Nhật, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc... đất sản xuất nông nghiệp rất nghèo nàn nhưng cũng đã giải quyết vấn đề này rất hợp lý. Thái Lan và Malaysia có điều kiện tự nhiên khá giống Việt Nam, đều là nước đang phát triển, vậy mà nông dân họ sản xuất khá ổn định.

Mới đây, trên Đài Tiếng nói Việt Nam, hai quan chức Bộ NN&PTNT trả lời về vấn đề an ninh lương thực cũng chỉ xoay quanh năng suất, sản lượng và thị trường (nội địa và xuất khẩu). Nghĩa là xoay quanh an ninh lương thực nhưng cũng chỉ là an ninh cái ngọn, còn an ninh cái gốc là cải thiện đời sống nông dân thông qua quá trình tích tụ - tập trung đất đai, lao động nông nghiệp dư ra phải chuyển đổi nghề và đặc biệt là giá sàn mua lúa và cơ cấu lợi nhuận 30% cho nông dân như các bộ đề xuất là thế nào, có đúng hay không thì không nghe nói. Vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn là cái gốc an ninh. Rất lớn. Ở đây chỉ tham khảo vấn đề giá sàn và lợi nhuận 30% trên ký lúa, tuy chỉ là một phần nhỏ của cái gốc nhưng chưa thấy ai chỉ ra.

Lâu nay khi tính giá thành hạt lúa ta thường chỉ tính: nước, phân, cần, giống. Trong tính giá thành (giá vốn) còn thiếu hai phần quan trọng là công quản lý của chủ trại và tiền thuê đất. Trong quản lý sản xuất, nông dân trực canh từ 3ha trở lên là chủ trang trại, tạm so sánh với quản lý công nghiệp như là quản đốc (10ha trở lên như là giám đốc xí nghiệp). Vậy mà khi tính giá thành lúa lại không tính lương và các loại bảo hiểm, chi phí giao dịch như giám đốc xí nghiệp.

Là chủ gia đình, họ còn phải chi tiêu, phải nuôi con cái hoặc cha mẹ không có sức lao động. Còn giá thuê đất hiện nay, tùy loại từ 1-2,5 triệu đồng/1.000m2/năm. Nếu là mua thì bình quân phải từ 40-60 triệu đồng/1.000m2. Vậy ta có tính tiền thuê đất và lãi vay tiền mua đất cho họ hay không? Vậy giá sàn mua lúa bảo đảm có lãi 30% là tính trên cái nền nào? Đây là uẩn khúc của lời than vãn: làm nông nghiệp không giàu mà nông dân và nhiều người hay bày tỏ, nhưng khi lý giải lại chưa chỉ ra được.

Năm 2008 nói mua lúa cho nông dân có lãi 30% mà mua có 3.800 đồng/kg. Năm nay nói mua 4.000 đồng/kg, nhưng là lúa khô, cân tại kho. Vậy nông dân bán tại ruộng giá còn được bao nhiêu? Nếu mướn ghe chở về kho tốn thêm bao nhiêu một ký? Xem ra chưa chắc bán 4.000 đồng/kg tại kho công ty mà bằng giá bán của năm rồi là 3.800 đồng tại ruộng...

An ninh lương thực không còn thuần túy là vấn đề kinh tế mà là vấn đề đạo đức của cộng đồng, của quốc gia và toàn cầu. Việc lớn nhưng chỉ đặt trên hai vai nhà nông. Chỉ khi nào nông dân được tính đúng, tính đủ trong sản xuất, cải thiện đời sống nông dân để họ lo cái ăn cho mọi người, khi đó gốc - ngọn nuôi nhau mới giải quyết được toàn vẹn vấn đề an ninh lương thực.

NGUYỄN MINH NHỊ (tuổi trẻ)