PDA

View Full Version : CÁC LỄ HỘI TRONG THÁNG RIÊNG


kinhcan88
02-21-2010, 08:53 PM
1. Lễ hội Xương Giang (Thời gian: mồng 6 và 7 )

Địa điểm: Sân vận động thị xã Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.

Lễ hội dâng hương tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ Lam Sơn ở thành Xương Giang thuộc ngã ba Quán Thành. Lễ hội tái hiện một phần chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn dưới sự chỉ huy của dũng tướng Trần Nguyên Hãn, phản ánh cuộc chiến hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta. Trong ngày hội từng đoàn người với cờ, trống biểu ngữ giăng khắp các ngả đường. Tại SVĐ, thanh niên nam nữ thi cắm trại, đoàn nghệ thuật tái hiện cuộc công thành Xương Giang thắng lợi năm xưa: Lễ đọc “Đại cáo bình Ngô”, lễ xuất quân.

2. Lễ hội Tiên Lục (Thời gian: mồng 9)

Địa điểm: Xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Hằng năm tổ chức vào các ngày 9 tháng Giêng, 20 tháng 5, 20 tháng 8 và 20 tháng 11 âm lịch. Trong đó ngày 9 tháng Giêng cũng là ngày hội xuân nên đông vui nhất. Du khách về thăm hội Tiên Lục không chỉ được xem trò vui mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của xóm làng, của cây dã hương ngàn năm tuổi, bên cạnh mái đình Viễn Sơn. Hội Tiên Lục chủ yếu diễn ra ở khu vực đình cây dã hương, đình Thuận Hoá, đình Phục Quang và đình Tiên Lục.

Hội tháng Giêng bắt đầu từ 1h sáng ngày mồng 9 với lễ khai thanh rồi đến lễ tranh chiêng, tranh trống giữa làng. Tiếp đến là lễ rước kiệu vào đền, rồi làm lễ tế thần Cao Sơn. Sau lễ là các trò chơi: thi cướ cầu, thi cỗ, thi kéo chữ, kéo co, chọi gà…

3. Lễ hội Y Sơn (3 năm mở hội lớn một lần vào 3 ngày: 15,16 và 17). Các năm khác tổ chức vào 1 ngày Tết Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng)

Địa điểm: Xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội Y Sơn còn gọi là hội Phu nhân Thánh Mẫu. Lễ hội có những nghi thức cổ truyền được tổ chức khá chặt chẽ: ngày 15 tất cả các giáp rước kiệu, cờ quạt, chiêng trống tập trung về đền, rồi rước sang chùa. Ngày 16 tướng và quản tượng lên voi xe (voi giả có gắn bánh xe để đẩy đi được) vào chùa lễ Phật, tiếp đến là lễ “cuốn cờ đập đất” và lễ “kéo chữ”. Ngày 17 là ngày vui nhất có nhiều trò chơi dân gian, đánh đu, đánh cờ người, diễn tuồng, hát chèo…

4. Lễ hội Cầu Vồng (Ngày 15)

Địa điểm: Xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội diễn ra hàng năm tại đình Cầu Vồng, xã Song Vân, gắn với truyền thống thượng võ của đồng bào Yên Thế đã nổi danh từ hàng trăm năm trước trong câu ca dao: Trai Cầu Vồng, Yên Thế, gái Nội Duệ, Cầu Linh

5. Lễ hội Xuân Ba Bể (mồng 10)

Địa điểm: hồ Ba Bể, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội được tổ chức hàng năm. Lễ hội là nơi diễn ra nhiều trò chơi mang bản sắc dân tộc độc đáo như: đua thuyền độc mộc, tung còn, chọi bò, múa khèn, đấu võ dân tộc…

6. Lễ hội Phủ Thông (mồng 10)

Địa điểm: thị trấn Phủ Thông, tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội được tổ chức hàng năm, là nơi diễn ra các trò chơi dân gian như tung còn, kéo co, hát sli lượn.

7. Lễ hội Lùng Tùng - (Lễ hội xuống đồng) (Ngày 15)

Địa điểm: Bằng Khẩu,huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Được tổ chức ở hầu hết các địa phương trong tỉnh sau Tết Nguyên Đán, tiêu biểu là lế hội Lùng Tùng ở Bằng Khẩu vào 15 tháng Giêng. Hội là dịp bà con các dân tộc tập trung vui chơi với nhiều trò chơi truyền thống như: múa khèn, thổi sáo, tung còn, trai gái hát giao duyên…Sau đó nhân dân làm lễ cầu khấn thần linh phù hộ mùa màng bội thu, cho một năm mới tốt lành.

8. Lễ chùa Thanh Long (mồng 6 và 7)

Địa điểm: Chùa Thanh Long, xã Cao Kỳ, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Lễ hội được tổ chức hàng năm là dịp nhân dân dâng hương nhớ đến tổ tiên ông bà. Sau lễ còn có hội với những trò chơi, các hoạt động thể thao văn hoá như kéo co, hát sli lượn, múa dân tộc…và leo núi thưởng ngoạn núi non hùng vĩ, hang động kỳ khu.

9. Hội Lim (từ 11 đến 13)

Địa điểm: thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Phần lễ: Ngày 13/1 Âm lịch, ngày hội chính,. Vào 8h sáng, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Buổi sáng ngày 13 tháng giêng toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Để hát thờ, các bọn quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần

Phần hội: Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội.Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.

10. Lễ hội Phật Tích (mồng 4 và 5)

Địa điểm: Xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Hàng năm vào ngày 4 tết Nguyên Đán, nhân dân Phật Tích thường mở hội truyền thống để tưởng nhớ công lao các vị tiền bối đã khai sinh và tu tạo chùa. Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ...

11. Hội Đông Hồ (từ mồng 4 đến 7)

Địa điểm: Làng Đông Hồ, xã Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh

Lễ hội Đông Hồ mang đặc tính hội làng nghề. Trong những ngày hội bán tranh dân gian và các loại hàng mã thờ cúng.

12. Hội chùa Tổ (18 đến 23)

Địa điểm: Làng Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Lương, Bắc Ninh Làng Vạn Ty, Thái Bảo, huyện Gia Lương, là quê hương của Huyền Quang (tức ký Đạo Tái), một trong ba vị sáng lập thiền phái Trúc Lâm đời Trần.
Phần lễ: có đọc kinh, rước oản, dâng hương
Phần hội: thi vật, thi dệt vải, đua thuyền.

13. Lễ hội Chùa Bà (Rằm tháng Giêng)

Địa điểm: Chùa Bà Thiên Hậu, Thủ Dầu Một, Bình Dương Lễ hội chùa Bà tại Bình Dương được tổ chức vào rằm tháng giêng, thu hút rất đông khách thập phương, không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà còn từ Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang... tham dự.

Truyền thuyết kể rằng bà Thiên Hậu Thánh Mẫu quê ở Phúc Kiến, Trung Quốc, sống vào đời nhà Tống, có tài tiên đoán thời tiết, gió bão trên biển khơi, giúp dân lành thoát nhiều cơn nguy hiểm, nên được nhân dân tôn thờ như bậc thánh. Lễ cúng Vía Bà được cúng nửa đêm 14 đến sáng 15. Trong ngày lễ chùa được trang hoàng lộng lẫy với 12 chiếc đèn lồng lớn tượng trưng cho 12 tháng trong năm,treo thành một hàng dài trước sân chùa. Ngày 15 lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền. Kiệu rước Bà đi qua trung tâm thị xã, cùng đội múa lân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho cả năm tại chùa.

14. Lễ hội Đống Đa (mồng 5)

Địa điểm: Xã Bình Khê, Tây Sơn, tỉnh Bình Định

Lễ hội được tổ chức hàng năm để kỉ niệm chiến thắng Đống Đa lịch sử của người anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh tan 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm 1789 tại Ngọc Hồi, Đống Đa.

Trong lễ hội ngoài các nghi lễ truyền thống, nhân dân Bình Khê, quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn còn tổ chức nhiều hoạt động như đánh võ, đánh côn, đi quyền…là những môn phái đặc trưng của võ Bình Định với sự tham gia của nhiều phụ nữ mà tài nghệ không thua gì nam giới.

Tiết mục độc đáo nhất của lễ hội là cuộc thi đánh trống bộ, mỗi bộ 12 chiếc trống da, cũng còn gọi là thi đánh trống trận Tây Sơn.

15. Hội Xuân chợ Gò (mồng 1 và 2 Tết âm lịch)

Điạ điểm: chợ Gò, làng Trường Phúc, xã Phước Ngân, huỵên Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Hội chợ được tổ chức hàng năm, bán nhiều hàng hoá, chủ yếu là trái cây các loại, đặc biệt là trò chơi trẻ em… và tổ chức nhiều trò chơi dân gian như chọi gà, hát bài chòi, cờ người, hái lộc.

16. Lễ hội mời mẹ Trăng (Kéo dài từ 10 đến 15 ngày vào đầu xuân)

Địa điểm: Đông Khê, tỉnh Cao Bằng

Lễ hội của người Tày vùng Đông Khê, được tổ chức vào đầu xuân diễn ra ở từng bản kéo dài từ 10 đến 15 ngày. Lễ hội cầu mẹ Trăng ban điều lành cho dân bản, mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi, con người khoẻ mạnh…Mở đầu lễ hội là lễ dâng hoa rồi đến “lượn hai” (ca hát) để tiễn hồn đoàn người trần gian lên cung trăng, mời Mẹ Trăng xuống trái đất. Kết thúc lễ hội là lễ tiễn Mẹ Trăng về trời (slống hai) diễn ra ở ngoài đồng. Cuối cùng mọi người cùng nhau dùng bữa cơm vui hội của bản làng. Trong không khí lễ hội pha lẫn giữa cõi trần và cõi tiên là sự náo nhiệt của các trò chơi dân gian: chọi gà, đánh quay, tung còn…

17. Hội Lồng Tồng - lễ hội xuống đồng (từ 2 đến 30)

Địa điểm: dân tộc Tày Nùng, Cao Bằng

Là lễ hội của dân tộc Tày Nùng để mở mùa gieo trồng mới. Mở đầu lễ hội là Trưởng bản đọc bài tế các thần, sau đó một lão nông có uy tín trong bản cày tượng trưng ở ruộng. Sau lễ dân bản tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn như: tung còn (trò chơi truyền thống của dân tộc Tày Nùng), cờ tướng, đánh đu, rước rồng, múa lân, múa sư tử, tranh đầu pháo thăng thiên…Đặc biệt trong hội có hát sli (Nùng) và Lượn (Tày) giữa từng đôi nam nữ bên bờ suối hay ở những cánh rừng.

18. Hội đền chùa (mồng 6 đến 15)

Địa điểm: huyện Hoà An và thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng

Hàng năm vào đầu xuân từ 6 đến 15 tháng Giêng các lễ hội diễn ra ở hầu hết các đền chùa trong tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là ở huyện Hoà An và thị xã Cao Bằng như đền vua Lê, chùa Đà Quận, đền Kỳ Sầm…

Đây là lễ hội cúng thần, cúng Phật, cầu phúc cầu may tưởng nhớ đến các bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc có công với nước, giúp đỡ nhân dân trong vùng. Sau lễ có các cuộc vui: thi tung còn, đánh đu và cũng là dịp để mọi người đi vãn cảnh, hái lộc đầu xuân.

19. Hội Xuân (Kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng ngay sau khi thu hoạch xong mùa màng và cơn mưa đầu mùa bắt đầu)

Địa điểm: Đắk Lắk

Hội Xuân là thời gian tạm hoãn công việc sản xuất để cùng bạn bè, gia đình tham gia hội. Buôn làng được sửa sang sạch đẹp, từ làng nọ đến buôn kia tiếp nhau mở hội đâm trâu. Lễ hội đâm trâu để cúng xin thần linh phù hộ. Nhân lễ bỏ mã, người ta cũng làm lễ đâm trâu để đưa hồn trâu theo người đã khuất về bên kia thế giới.

Lễ hội đâm trâu bắt đầu bằng việc buộc trâu vào cột nêu đã được trang trí với nhiều hoa văn rực rỡ và biểu tượng tượng trưng cho quyền lực của Giàng. Người được vinh dự cử đâm trâu phải là chàng trai tài giỏi, khoẻ trong buôn làng, đâm một lao phải trúng tim con vật, đó là điềm lành. MỌi người trong buôn cùng nhau xẻ thịt, cùng ăn, cùng uống rượu cần, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng truyền thống. Cuộc vui kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

20. Lễ hội Mùa Xuân (Sau Tết Nguyên Đán, kéo dài 3 đến 5 ngày)

Lễ hội của người H’mông và Dao ở Hà Giang

Lễ hội mang tính chất mừng công, cầu mưa, cầu sinh con trai nối dõi tông đường. Lễ hội có thi bắn nỏ, hát giao duyên, uống rượu, ném Pa páo…

21. Hội Lồng Tồng (Hà Giang) (Mồng 5)

Lễ hội của người Tày ở Hà Giang

Lễ hội hàng năm được tổ chức vào 5 tháng Giêng tại một cánh đồng bằng phẳng gần làng nhất.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Hà Giang là lễ hội cầu trời, cầu Thần linh, cầu Phật cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu, con cháu đầy nhà, người người ấm no hạnh phúc.

Trung tâm lễ hội là nơi cắm chân nến, một cây tre cao vút, trên ngọn có treo một vòng nguyệt, đáy dán giấy đỏ. Người nào ném quả còn qua vòng nguyệt, sự may mắn hạnh phúc sẽ đến với người đó. Trong lễ hội người nào có quả còn đẹp nhất sẽ được thưởng.

22. Hội vật võ Liễu Đôi (mồng 5)

Địa điểm: Làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, Hà Nam.

Lễ hội được tổ chức hàng năm để ghi nhớ công lao của chàng trai họ Đoàn giỏi võ nghệ, sức khoẻ phi thường đã có công dẹp giặc cứu nước, cứu dân, được nhân dân trong vùng tôn là Thánh họ Đoàn. Đây là lễ hội có sức cuốn hút nhiều người tham gia đấu võ. Ngoài đấu võ, hội còn tổ chức thi nấu các món ăn dân dã, chế biến từ các đặc sản địa phương như ốc, ếch, cá…

23. Hội làng Duy Hải (mồng 2)

Địa chỉ: Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam

Đình làng Duy Hải thờ Trần Khánh Dư hàng năm tổ chức lễ hội vào mồng 2 tháng Giêng. Cùng với tế lễ ở Đình Thượng, còn tổ chức nhiều tập tục truyền thống phong phú như: thi chạy giật cờ, diễn trò thuỷ chiến, làm bánh Giầy cúng Thần.

24. Hội Cổ Loa (mồng 6 đến 16)

Địa điểm: Xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

Lễ hội tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương người được vua Hùng thứ 18 nhường ngôi. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết “nỏ thần” và chuyện tình Mị Châu Trọng Thuỷ.

Lễ hội có đám rước thần của 12 xóm. Sau lễ có hội, tổ chức nhiều trò chơi như: thi thổi cơm, chơi đu, hát chèo…

25. Hội đền Sóc (mồng 7)

Địa điểm: Thôn Vệ Linh, Phù Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội

Lễ hội tổ chức tại đền thờ Thánh Gióng, người anh hùng dân tộc chống giặc Ân. Trong lễ hội có lễ tắm tượng, rước voi, rước trầu không.

25. Hội Đống Đa (mồng 5)

Địa điểm: Quận Đống Đa, Hà Nội

Đây là lễ hội chiến thắng, mừng công tích chống ngoại xâm lừng lẫy của dân tộc do hoàng đế Quang Trung lãnh đạo. Cuộc tế lễ diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Ngày nay lễ hội được diễn ra trong khuôn viên trước tượng đài Quang Trung, phía sau Gò Đống Đa. Trong lễ hội có nhiều trò vui.

26. Hội làng Triều Khúc (10 đến 12)

Địa điểm: Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội Hội làng Triều Khúc diễn ra hàng năm tại Đình Sắc và đình Lớn, nhằm ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc Phùng Hưng và tôn vinh nghề dệt. Trong thời gian tế có biểu diễn múa rồng - một điệu múa cổ. Sau tế có tổ chức hội múa lân, đấu vật, hát chèo…

27. Hội Chùa Hương (15 tháng Giêng đến 15 tháng ba)

Địa điểm: Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Tây

Đây là lễ hội kéo dài thời gian nhất ở nước ta. Trong mỗi lần lễ hội có hàng chục vạn người trong nước đổ về dự hội. Đến hội chùa để cầu phúc, cầu may, lại được thăm thú cảnh đẹp non nước hùng vĩ, sông suối nên thơ, hang động kỳ khu. Quả thật Hương Sơn là chốn bồng lai tiên cảnh.

28 Hội Đền Và (ngày 15)

Địa điểm: Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Tây, thờ thần Tản Viên.

Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần. Mở đầu là lễ rước kiệu thánh Tản Viên từ Đông Cung lên đền thờ Thánh ở núi Ba Vì. Sau đó có tục lệ đánh cá, lấy nước sông Hồng tắm tượng Thánh ở đình.

29 Hội đua thuyền (mồng 4 Tết)

Địa điểm: Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Đây là lễ hội có quy mô lớn của nhân dân Hà Tĩnh. Hội đua thuyền còn được tổ chức ở một số nơi nữa như Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên.

Hội đua thuyền được tổ chức nhằm chọn lựa những tay đua tài giỏi và rèn luyện sức khoẻ cho nhân dân vùng sông nước, bão lụt đồng thời cũng là truyền thống của nhân dân địa phương để cầu yên cho xóm làng.

30. Lễ hội Côn Sơn (18 đến 23)

Địa điểm: Đền Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương thờ Huyền Quang (Lý Đạo Tái), một trong ba vị sáng lập Thiền phái Trúc Lâm và Nguyễn Trãi, nhà văn, nhà quân sự, chính trị, ngoại giao đại tài, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Nguyễn Trãi và Huyền Quang.

31. Lễ hội đền Cao (22 đến 24) - Lễ hội diễn ra hàng năm

Địa điểm: Xã An Lạc, Chí Linh, Hải Dương.

Ngày 22 rước Thánh ở đền Cả. Sáng 23 lễ hội bắt đầu rước kiệu, đi đầu là đội cồng và kỳ lân, tiếp theo là 6 kiệu và kiệu Thành hoàng làng. Đám rước đi từ đền Cả, qua đền Bến Cả, đến Bến Tràng rồi về Đền Cao.Sau lễ dâng hương kiệu được an vị tại đền Cao. Ngày cuối lễ hội rước kiệu đưa về đền Cả.

32. Lễ hội xuống biển (mồng 4 đến 6)

Địa điểm: Làng chài Trân Châu, Cát Bà, Hải Phòng

Lễ hội được tổ chức hàng năm. Đây là một trong những lễ hội ở Hải Phòng có lượng du khách tham quan nhiều nhất. Sau khi tiến hành làm lễ tế thuỷ thần Long Vương, một hồi trống lệnh sẽ gióng lên, hàng trăm trai tráng khoẻ mạnh, ngực nở căng tay cầm chèo vừa reo hò vừa chạy tới thuyền mình để kịp tới nơi quy định. Một người chèo, một người tung lưới và gõ nhịp vào mạn thuyền. Gõ càng mạnh, càng dồn dập cá càng hoảng sợ vội bơi nhanh nên mắc vào lưới càng nhiều. Đến trưa, nổ pháo lệnh thu quân. Mọi người khiêng cá của thuyền mình lên đình để các bô lão chấm thẻ. Cá ngon nhất được chọn nướng ngay trên đống lửa đỏ rực ở sân đình để tế thần. Ai đánh được cá to nhất, ngon nhất và nhiều nhất thì được trao giải.

33. Lễ đu xuân Thuỷ Nguyên (Tết Nguyên Đán)

Địa điểm: Thuỷ Nguyên, Hải Phòng

Nhiều nơi ở Thuỷ Nguyên hàng năm vào Tết Nguyên Đán thường tổ chức vui xuân bằng cây đu quen thuộc. Từ khoảng 28 – 29 Tết, mỗi địa phương trồng từ 1 đến nhiều cây đu trên nhiều vùng khác nhau.

Đánh đu trước hết phải có lòng dũng cảm. Bởi đây là một cuộc đua tài đòi hỏi người chơi gan dạ, có kỹ thuật đưa đu lên càng cao càng tốt và đẹp mắt. Đu có nhiều loại: đu đơn, đu đôi một nam một nữ, đu hai cặp nam nữ.Nhưng đẹp mắt nhất hào hứng nhất là đu đôi một trai một gái. Đây là trò chơi dân tộc có từ lâu ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ, là dịp để trai gái gặp gỡ nhau, nên lễ hội được tuổi trẻ hưởng ứng liệt nhiệt.

34. Hội đền Phò Mã (ngày 15)

Địa điểm: thị trấn Núi Đèo, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng Còn gọi là đền Dẹo thờ danh tướng Lại Văn Thành, một vị tướng tài giỏi vào đời Trần. Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công tích của ông.

35. Lễ hội người Hoa (Rằm tháng Giêng)

Lễ hội của người Hoa - chợ Lớn, TP Hồ Chí Minh

Phần lớn người Hoa ở chợ Lớn đều theo tín ngưỡng dân gian Hoa Nam thờ nhiều thần thánh. Mỗi vị thần có ngày vía (mất) riêng. Vào những ngày đó người Hoa đều đến lễ bái ở các đền miếu thờ những vị thần này.

Tuy vậy lễ hội lớn nhất đối với người Hoa là lễ Nguyên Tiêu. Trong ngày này tất cả người Hoa đều tập trung đến lễ ở các đền miếu của cộng đồng mình để tạ ơn thần thánh đã phù hộ công việc làm ăn trong năm cũ, cầu thần thánh phù hộ công việc làm ăn năm mới tốt hơn. Sau lễ Nguyên tiêu người Hoa mới bắt tay vào công việc làm ăn năm mới.

36. Hội chợ Kỳ Lừa (22 đến 27)

Địa điểm: Hang Khẩu Lừ, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn.

Hội chợ Kỳ Lừa diễn ra hàng năm. Đền thờ được lập bên sông Kỳ Cùng để thờ thần sông. Lễ hội diễn ra khá nhộn nhịp, có nhiều trò vui như múa sư tử, đấu võ, hát sli, hát lượn thâu đêm suốt sáng. Lễ hội kết hợp với chợ, nơi mua bán các loại đặc sản trong vùng.

37. Hội chùa Tam Thanh (Ngày 15)

Địa điểm: TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Lễ hội tổ chức hàng năm, người dân địa phương còn gọi là lễ hội chúng sinh. Người ta đi hội là để thắp hương ở chùa cầu trời khấn phật ban phước lành để sống bình yên, hạnh phúc, làm ăn phát tài, phát lộc. Sau lễ là hội như thả cá xuống hồ (phóng sinh), múa lân, múa sư tử, đánh cờ người…

38. Hội chơi núi mùa xuân (mồng 3 đến 5)

Địa điểm: Bản người H’mông, Lào Cai

Đây là lễ hội hàng năm của người H’mông, còn gọi là Gầu Tào, hoặc Sán Sải (có nghĩa là đi chơi dã ngoại, chơi núi). Nơi diễn ra lễ hội thường ở trên một khu đồi thoai thoải hoặc một khoảnh rộng bằng phẳng gần bản. Lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian. Trong lễ hội người ta cầu khấn: cầu mệnh (sống lâu), cầu con, cầu may,cầu phúc…

Lễ hội là ngày vui của bản làng, trai gái xúng xính trong những bộ trang phục mới. Sau lễ là phần hội tổ chức nhiều trò vui như thi bắn súng kíp, bắn nỏ, hát giao duyên, múa khèn, múa võ, ném pa páo (giống quả còn của người Tày Nùng), cuối cùng là ăn uống.

39. Lễ Tết “nhảy” của người Dao đỏ (mồng 1 và 2)

Địa điểm: Xã Tả Phìn, Lào Cai

Tết Nhảy của người Dao Đỏ diễn ra cuối giờ Thìn đầu giờ Tỵ ngày 1 hoặc 2 tết Nguyên Đán của ba dòng họ lớn người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn là Lý, Bàn và Triệu.

Một tốp thanh niên dưới sự hướng dẫn của thầy cả, tổ chức nhảy 14 điệu diễn mở đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự Tết. Điệu chào tổ tiên, bố mẹ đã khuất là nhảy múa một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao. Điệu nhảy mời tiên nữ giáng trần, diễn tả bằng điệu múa cò (mô phỏng cò bay). Điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự Tết, diễn tả kiểu đi của hổ…Mỗi điệu múa mang hình tượng khái quát cao, diễn tả các thiên thần tổ tiên về hạ giới dự tết với con cháu.

Kết thúc điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ làm lễ rước tượng tổ tiên. Tượng tổ tiên là các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Dao. Tượng được chạm khắc tinh vi, dài 20 – 25cm, đường kính thân 5cm. Bàn tay phải các tượng đều cầm thẻ bài ghi rõ tên ông Tổ. Ngày Tết, con cháu rước xuống làm lễ tắm gội, thay xiêm y mới.

Sau lễ tắm tượng, con cháu tổ chức các điệu nhảy dâng gà. Thầy cả và ba thanh niên tay cầm con gà trống đỏ, vàng nhảy theo nhiều động tác dâng gà. Kết thúc là điệu múa cờ.

40. Hội Lồng Tồng (Lào Cai) (mồng 5 hoặc 15)

Địa điểm: huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai

Đây là lễ hội hàng năm của người Tày Văn Bàn huyện Bắc Hà được tổ chức tại một khu ruộng đẹp cao ráo gần bản, trung tâm lễ hội là cây nêu trên có vòng tròn để ném quả còn. Lễ hội mang nét tín ngưỡng cầu mong mùa màng tươi tốt, con người khoẻ mạnh, con đàn cháu lũ…Phần lễ có nhiều nghi thức quan trọng: rước nước, cúng thần bản, thần suối, thần núi, cũng cây còn. Trong phần hội có nhiều trò chơi: kéo co, chọi gà bằng hoa chuối, chọi trâu bằng măng vầu. Nam nữ múa hát xoè, hát giao duyên.

41. Lễ lập tịch của người Dao đỏ (Trước hoặc sau Tết Nguyên Đán)

Địa điểm: Bản Khe Mạ, huyện Bảo Thắng, Lào Cai

Lễ hội hàng năm thường được tổ chức vào dịp nông nhàn. Lễ thường diễn ra ở gia đình hoặc ở bản của người được lập tịch, tức là chính thức được nhận vào dòng họ. Đây là nghi lễ ở những gia đình khi có con trai 14 – 15 tuổi thì mời thầy đến làm lễ. Nghi lễ có nhảy từ một tháp cao xuống lưới võng hứng ở dưới, lễ răn dạy…Sau phần lễ trang trọng có tổ chức múa hát, múa sạp, múa gà…

42. Lễ hội đền Lão Nhai (ngày 11 đến 13)

Địa điểm: thị xã Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Lễ hội diễn ra hàng năm tại đền thờ Thánh Mẫu và Thiên Hậu Nương Nương và cả ở khu vực bãi sông, nơi hai sông Nậm Thi và sông Hồng hợp lưu. Phần lễ có rước Thánh Mẫu cùng Thiên Hậu từ đền đi qua các phố của thị xã Lào Cai rồi qua cầu Cốc Lếu, sau đó quay lại đền làm lễ. Lễ tế tổ chức vào ngày 12, lễ tạ vào ngày 13. Mọi người đi lễ để cầu “người yên, vật thịnh”, làm ăn phát tài, phát lộc. Phần hội có nhiều trò vui như thi thổi cơm, múa hát…

43. Lễ cúng cơm mới (Gần trùng với Tết nguyên đán người Việt)

Địa điểm: B’lao, thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng

Đây là một trong những lễ hội truyền thống của người Mạ, người Cơ Ho. Trong ngày lễ họ cầu mưa thuận gió hoà, ngăn thú rừng không cho phá nương rẫy. Cúng cơm mới , lúa mới là để cho con cháu biết quý hạt thóc, hạt gạo. Lễ cúng gồm: gạo thơm mới, ché rượu cần, gà trống giò, heo đực thiến, và các thú rừng bẫy được…

Lễ hội được bắt đầu bằng việc khấn Giàng của thầy cúng, kế đến tục vẩy rượu để chúc tụng mọi người. Cuối cùng uống rượu, hát tình ca, trường ca trong tiếng cồng chiêng rộn ràng.

44. Lễ hội vua Mai (ngày 16 -17)

Địa điểm: Đền Mai Hắc Đế, Vân Diên, Nam Đàn, Nghệ An Mai Hắc Đế, tên huý là Mai Thúc Loan, vị vua có công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Đường. Trong lễ hội có rước kiệu vua Mai, tế lễ long trọng. Phần hội có trò đấu vật, cướp cờ, đua thuyền…

45. Hội Bạch Hạc (ngày 3 -5 tháng Giêng và 10 – 13 tháng 3)

Địa điểm: Xã Bạch Hạc, TP Việt Trì Nơi thờ Thổ Lệnh Đại Vương, dân gian quen gọi là Thánh Hạc. Lễ hội có tục tế, rước Thánh qua sông Lô, sang làng kết nghĩa Tiên Cát (nơi thờ Thạch Khanh, anh em sinh đôi với Thổ Lệnh Đại Vương)

Mở đầu hội là tung còn - cướp còn, diễn ra vào mồng 3 Giêng, gồm có rước còn (một bộ còn có một quả mẹ và 8 quả con), cúng còn và cướp còn. Tất cả các quả còn đều được thờ ở đình cho đến ngày hội năm sau rồi thay bộ còn mới.

46. Hội Chu Hoá (mồng 5)

Địa điểm: Chu Hoá, Phong Châu, Phú Thọ

Lễ hội hàng năm để tưởng nhớ ba vị Thành hoàng làng cũng là ba anh em có hiệu là Cả Đông, Nhị Đông, Tam Đông, tương truyền là do rắn thác sinh vào làm con một quả phụ và trở thành tướng tài ba của vua Hùng 18.

Hàng năm Kẻ Khống (tên Nôm của Chu Hoá) vào hội tế lễ Thành hoàng diễn lại sự tích của ba vị với nhiều hình thức phong phú: Tiệc cầu đãi bách thần tổ chức vào mồng 5 trình diễn trò chạy Kem

Lễ tiệc chào mừng Đức Tam Đông vào mồng 5 tháng 3 âm lịch làng tổ chức hát trống quân và múa trình đầu rối.

47. Hội Xoan (từ 7 – 10)

Địa điểm: Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ

Lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng,

Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông.

Mồng 10 tháng Giêng diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.

48 Hội đánh cá (mồng 3tháng 1 dương lịch)

Địa điểm: Thanh Liệt, Thanh Sơn, Phú Thọ

Lễ hội của đồng bào Mường diễn ra tại một khu vực sát bản. Vào ngày này tất cả dân bản, trai gái, già trẻ dùng gậy hoặc bất cứ thứ gì để đập nước, làm rung động nước của con suối, làm cho cá hoảng sợ chui vào rọ ẩn nấp. Sau một hồi chuông vang lên, người ta kéo rọ lên. Cá to dành cho lễ cúng, còn lại chia đều cho các gia đình.

49. Lễ hội làng Cảnh Dương (mồng 3)

Địa điểm: Cảnh Dương, Bố Trạch, Quảng Bình

Mang tính chất lễ hội nông nghiệp cổ truyền. Lễ hội được mở hàng năm có nhiều trò chơi dân gian trong đó đặc sắc nhất là thi bơi trải và thi nấu cơm nhanh.

50. Hội đua thuyền Tịnh Long (mồng 4 – 5)

Địa điểm: Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quãng Ngãi

Hàng năm, cứ vào mồng bốn, mồng năm tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương cũng như dân ở nhiều xã khác kéo về Tịnh Long, đứng chật trên bờ sông cổ vũ náo nhiệt cho hội đua thuyền. Thế nhưng việc chuẩn bị cho cuộc đua đã được tiến hành từ vài mươi ngày trước. Từ khoảng giữa tháng chạp người Tịnh Long sửa soạn quyên góp tiền bạc, chọn vận động viên và tập dượt để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền đầu xuân. Tịnh Long có 4 thôn (An Lộc, An Đạo, Gia Hoà, Tăng Long), mỗi thôn hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua có 22 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy cũng như những điều cấm kỵ khác.

Thuyền đua là loại thuyền đặc biệt, không giống thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế tối đa lực cản của nước. Khi đóng thuyền, người ta phải chọn ngày lành tháng tốt. Thuyền đóng xong, được trang trí đẹp, từ đầu đến đuôi trang trí theo hình con vật trong tứ linh. Bốn thôn trong xã mỗi thôn có một thuyền đua, được trang trí theo hình Long (rồng), Ly (lân), Qui (rùa), Phụng (phượng). Hiển nhiên, thuyền đua gắn với tín ngưỡng của nhân dân và được thờ ở am miếu của thôn, hàng năm, đến kỳ đua mới được làm lễ hạ thủy, có cờ, trống rộn ràng và khi đua xong lại đưa về am miếu cùng với thủ tục như vậy.

Trường đua có tổng diện tích khoảng 60.000m2 với chiều dài 500 mét, rộng 120 mét (chia làm 4 ô, mỗi ô rộng 30mét) cho 4 thuyền đua. Sau khi bốc thăm, đội trưởng đội đua thuyền về cọc tiêu qui định để chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh xuất phát. Trong mỗi thuyền đua có 15 đà công, thuỷ thủ, mặc đồng phục và ở tất cả các thuyền đều chít khăn đỏ. Khi có lệnh xuất phát, các thuyền lập tức lao lên.Mỗi lần đua gồm 8 vòng với 4 km, chia thành hai đợt đua, khoảng giữa 2 đợt đua là thời gian nghỉ giải lao để đà công, thuỷ thủ lấy lại sức. Tổng cộng cả 2 ngày đua tài, thuyền nào có số điểm cao nhất sẽ giành phần thắng và các thuyền khác cũng tuỳ theo số điểm đạt được mà xếp hạng nhì, ba, tư. Ngày hội đua thuyền ở Tịnh Long thật sự là một hội vui xuân lành mạnh, tưng bừng náo nức của cư dân cả một vùng đất

51. Lễ hội Yên Tử (mồng 9)

Địa điểm: xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh

Nơi đây là trung tâm Phật giáo của nước Ðại Việt thuở trước, nơi phát tích của thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 chùa và hàng trăm am tháp

Hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 9 tháng riêng (âm lịch) và kéo dài hết tháng 3. Du khách đến hội chùa Yên Tử để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui "như hội" là leo núi, lên đỉnh cao nơi có chùa Ðồng. Trên đường đi chốc chốc lại gặp ngôi chùa, ngọn tháp, con suối, rừng cây mỗi nơi là một truyện cổ tích sâu lắng tình người. Lên đến đỉnh cao sau khi thắp nén nhang ai nấy như mình đang đứng giữa trời, lòng lâng lâng thoát tục. Khi trời quang mây tạnh, từ nơi đây có thể phóng tầm mắt dõi nhìn khắp vùng biển miền Ðông Bắc. Ca dao có câu: Tăm năm tích đức tu hành Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu"

52. Hội cướp cù (mồng 4)

Địa điểm: đình An Mỹ, Cẩm Phổ, Gio Mỹ, huyện Gio Linh, Quảng Trị

Lễ hội kéo dài 2 ngày. Sau phần lễ, tế cầu an là trò cướp cù. Nét độc đáo của lễ hội là bên nào huy động được nhiều người tham gia thì càng dễ thắng cuộc. Người tham gia không kể trẻ, già, trai, gái. Đây là một hình thức thể thao mang tính dân gian.

53. Lễ hội núi Bà (ngày 15)

Địa điểm: huyện Tràng Bảng, tỉnh Tây Ninh.

Hội xuân Núi Bà không chỉ là sự tự do tín ngưỡng tôn giáo mà còn biểu hiện đậm đà bản sắc dân tộc

Ngày rằm tháng Giêng, du khách trong tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác ở Nam Bộ đổ về hành hương, lễ bái và tham quan du lịch rất đông đúc. Từ chân núi, khách trẩy Hội phải đi bộ và leo núi. Ðến lưng chừng núi khách vào lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu rồi nghỉ ngơi. Ai khoẻ chân lại tiếp tục đường mòn leo núi để lễ chùa. Nơi đây, nhà chùa có cơm chay đãi khách, khách cứ việc dùng rồi cúng tiền vào chùa, có hoặc không, nhiều hoặc ít tuỳ tâm. Thậm chí nếu khách muốn lưu lại chùa một, hai ngày vẫn được nhà chùa thết đãi nồng hậu - vì rằng ở chốn tu hành, đồng tiền không có nghĩa và người mộ đạo ai cũng như ai. Lên cao chút nữa, gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần. Dừng tại đây, du khách có cảm giác nhiều đám mây còn bay dưới chân mình và từ đấy có thể ngắm toàn ảnh hồ nước Dầu Tiếng - Những năm gần đây mỗi mùa Xuân tới, dân chúng Nam Bộ kéo tới lễ Ðiện Bà đông như nước chảy. Mọi người tin rằng lễ Ðiện Bà để cầu phù hộ, giải toả nhu cầu tâm linh, cũng nhân dịp du lịch ngắm phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.

54. Hội làng Dương Xá (mồng 5 -6)

Địa điểm: Xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Hội mở hàng năm gọi là lễ tế cá để nhớ công ơn của Trần Nhật Hiệu, người được làng Dương Xá thờ làm Thành hoàng.

Ngoài các nghi lễ tế thần long trọng, lễ Phật, lễ mừng thắng trận còn tổ chức các trò vui, múa hát, đánh gậy, bơi trải…

Cá làm lễ vật cho ngày hội phải là cá trắm. Từ chiều mồng 5 các giáp chuẩn bị nướng cá và làm bánh giầy. Mâm cỗ cúng phải có cá nướng, cá kho, canh cá (cá luộc nước gừng lọc nấu với ngồng cải thái nhỏ) và bánh giầy, cơm gạo tám xoan. Trong ngày hội cá, cả làng rước tượng Trần Nhật Hiệu từ miếu thờ ở thôn Lễ về đình Dương Trung với các lễ mừng chiến công để kỷ niệm ông.

55. Lễ hội đền Đuổm (mồng 6)

Địa điểm: xã Động Đạt, Phú Lương,Thái Nguyên Đền Đuổm nằm trên dãy Điểm Sơn, dãy núi tận cùng của vòng đá vôi sông Gâm. Tục truyền, Đền được xây dựng năm 1180, thờ thánh Đuổm Dương Tự Minh. Đền Đuổm gồm 3 ngôi đền, phía trên cùng sát vách núi đá là nơi thờ Mẫu- mẹ của Dương Tự Minh; đền Trung thờ Dương Tự Minh và phía dưới là Phủ Bà thờ hai phu nhân của ông. Lễ hội đền Đuổm được tổ chức vào ngày mùng 6,7,8 tết hàng năm để tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng dân tộc, cầu mong vị thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm. Sau lễ dâng hương tưởng nhớ công đức người anh hùng, lễ hội diễn ra sôi nổi với các màn múa, hát mang đậm màu sắc văn hóa dân gian, ca ngợi truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc cùng nhiều trò chơi vui xuân như: tung còn, đấu vật, đấu cờ, hát lượn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo...

55. Lễ hội chùa Hang (ngày 14)

Địa điểm: Khu Di tích lịch sử Chùa Hang, thị trấn Chợ Chu (Định Hoá), Thái Nguyên

Chùa Hang là thắng cảnh đẹp, nổi tiếng của huyện Định Hoá, là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân thị trấn Chợ Chu và đồng bào các dân tộc huyện Định Hoá. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong Chiến dịch Thu Đông năm 1950, giữa những ngày đông giá rét, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở và làm việc tại chùa Hang trong thời gian 1 tuần.

Đến với lễ hội, du khách được hoà mình vào không khí đông vui, náo nhiệt, với thú khám phá hang sâu, leo núi chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên, tham gia những trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cầu thăng bằng, bịt mắt bắt dê, cờ tướng, ném cổ vịt, chọi gà, múa sạp… và được thưởng thức món ăn đậm chất quê hương của vùng Việt Bắc- ATK Định Hoá.

57. Lễ hội làng Cơm Hòm (mồng 6)

Địa điểm: đình làng Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên

Tương truyền đình thờ một người đàn bà vô danh có công bày mưu đánh giặc Minh thời Hậu Lê. Lễ hội có nhiều trò vui của nhân dân địa phương trong đó có tục thờ xôi nén trong hòm.

58. Lễ hội Cầu Ngư (Ngày 12)

Địa điểm: Sân đình làng Thái Dương cạnh phá Tam Giang thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước lúc vào lễ chính, các bô lão trong làng thắp hương cầu khấn đất trời phù hộ cho con em làng chài sức khỏe, ra khơi gặp sóng yên, bể lặng… Các nhà trrong làng đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu, thuyền tại lễ hội đều chăng đèn kết hoa. Đây là lễ hội được tổ chức đều đặn ba năm một lần với quy mô lớn, gồm nhiều hoạt động tái hiện sinh hoạt văn hóa của ngư dân vùng biển. Ngay trong chiều 11 Giêng, lễ hội cầu ngư ở làng Thai Dương được bắt đầu bằng lễ cung nghinh và tiếp tục diễn ra suốt đêm qua với các lễ cầu an, lễ chánh tế và lễ tưởng niệm. Sáng 12, chánh lễ cầu ngư đã bắt đầu diễn ra. Tiếp theo là phần hội với những trò diễn trên cạn cùng hội đua ghe truyền thống và đoàn tàu xuất quân đánh bắt vụ nam, vụ cá đầu năm của ngư dân vùng biển.

59. Vật võ Làng Sình (mồng 9 – 10)

Địa điểm: Làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội vật làng Sình ngoài trai tráng của làng tham gia còn thu hút hàng ngàn thanh niên nam nữ ở các huyện và thành phố Huế kéo về dự hội. Hội vật võ làng Sình diễn ra trong không khí rất hào hứng sôi nổi. Đây là một sinh hoạt truyền thống mang tính thượng võ của người dân Huế trong nhiều thế kỷ qua.

60. Hội đình Tích Sơn (mồng 3)

Địa điểm: đình Tích Sơn thuộc xã Tích Sơn, thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Đình Tích Sơn thờ bảy vị thần Lỗ Bình Sơn (bảy anh em nhà họ Lỗ, đời nhà Trần). Trong lễ hội có nhiều trò vui, trong đó có thi nấu cơm nhanh, thi kéo co nam nữ…Vui nhất là trò thổi cơm thi. Cả làng hò reo động viên những cô gái đảm gánh gồng, nổi lửa nấu những nồi cơm dẻo thơm trong ngày hội.

61. Hội xuân làng Thổ Tang (Ngày 14 đến 23)

Địa điểm: đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc

Đình Thổ Tang thờ Tản Viên và 3 vị thần Đất. Theo truyền thuyết Lâu Hồ Hầu tức Phùng Lộc Hộ là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông rồi hóa ở Thổ Tang. Tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng đã lập đình thờ ông và hàng năm tổ chức lễ hội để kỷ niệm chiến công của ông. Trong hội có lễ rước từ miếu Trúc về đình làng và nhiều trò vui khác.

62. Lễ hội Đông Cuông (Sau Tểt Nguyên Đán)

Địa điểm: đền Đông Cuông, cách thị xã Yên Bái 50km về phía Tây. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn là một trong những đền thờ Mẫu nổi tiếng linh thiêng từ lâu, thu hút khách thập phương tới lễ bái. Lễ hội được tổ chức hàng năm với nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

63. Lễ Tết nhảy (Tết Nguyên Đán)

Địa điểm: bản người Dao ở Yên Bái Là lễ hội ôn lại tinh thần thượng võ của dân tộc Dao.

Theo truyền thuyết thì các tướng lĩnh sau nhiều năm làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, sức lực và tinh thần có phần mệt mỏi, binh khí hư hỏng, cần được duyệt binh để chấn chỉnh lại, thông qua đó mà vui chơi, quên đi những vất vả, mệt nhọc. Tết nhảy còn là “đại hội Phù Đổng Thiên Vương” nơi hội ngộ của các thần linh.

Tết nhảy được biểu diễn bằng các điệu múa. Đồ dùng trong tết nhảy là các loại vũ khí: dao, khiên, kiếm, các binh khí cổ. Dàn nhạc gồm bộ cồng, chiêng, kèn trống, tù và. Lễ vật là thịt lợn, rượu nếp, thức ăn đủ cho 100 người trong 3 ngày.

64. Lễ hội Phù Đổng

Nhiều địa phương thuộc Hà Nội tổ chức lễ hội suy tôn Thánh Dóng: Phù Đổng, Chi Nam (Gia Lâm), Xuân Đỉnh (Từ Liêm), đền Sóc (Sóc Sơn). Trong số bốn hội trên thì hội Dóng ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) có quy mô, tổ chức chặt chẻ và công phu nhất. Chính hội vào ngày 9/4 âm lịch hằng năm. Trước đó ngày 6/4 là lễ rước nước từ giếng trước đền thờ Mẫu.

Lễ tế có phường Ải Lao múa hát thờ thần; diễn trận tái hiện sự tích ông Dóng đánh giặc Ân với các cuộc múa cờ “ba ván thuận” và “ba ván nghịch” được cách điệu, người xem có thể hiểu tài đánh giặc của ông Dóng. Những ngày tiếp theo có nhiều trò vui như lễ cắm cờ, mừng thắng trận, cáo đất trời và nhiều trò vui khác.


65. Hội Lệ Mật

Làng Lệ Mật nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Hằng năm mở hội vào ngày 23/3 âm lịch, tưởng nhớ Hoàng Đức Trung (thành hoàng làng Lệ Mật). Là người đã có công được vua Lý ban đất lập 13 trang trại. Hội Lệ Mật có trò múa rắn nhằm tôn vinh nghề bắt và nuôi rắn ở đây.

Hội Lệ Mật còn là dịp để cư dân trong làng và những người đi xa có dịp về quê, ôn lại lịch sử dựng làng đầy gian nan thử thách từ xa xưa, cùng chung niềm vui và lòng biết ơn với tổ tiên.

Ra tết ăn bánh trưng,giò,thịt gà chán rùi,chỉ thích đi chơi thôi.ra riêng có nhiều lễ hội lắm mọi người ạ.Mọi người cùng tham khảo,ai có nhu cầu đi chơi hội nhé.Nguồn từ baodulich.net.vn đấy,nguồn hoàn toàn tin tưởng mà.