PDA

View Full Version : Góc nhìn của chủ doanh nghiệp từng đi làm thuê


thang
02-20-2010, 09:15 AM
Một bài viết rất đáng được tham khảo, nhất là những ai đang chuẩn bị hành trang để đi làm.

-----
Qua nhiều loạt bài cũng như ý kiến độc giả liên quan đến vấn đề "chủ tớ", tôi cũng muốn chia sẻ một chút quan điểm của mình với cái nhìn của người đã từng làm thuê, đang làm chủ và chuẩn bị đi làm thuê.

Tôi không nhớ chính xác từ năm nào, nhưng khoảng chừng từ những năm đầu 90 trở đi, chúng ta chính thức công nhận nhiều thành phần kinh tế, trong đó có những thành phần kinh tế không thuộc nhà nước. Và cho đến nay, số lượng công ty ngày càng nhiều, tạo ra một nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Có nghĩa là, người lao động không còn bị soi lý lịch hay phải nhờ quen biết xin xỏ để có được một công việc. Tôi cho rằng, hiện nay sức lao động đã trở thành hàng hóa đúng nghĩa và được tự do trao đổi trên thị trường, vận hành theo cơ chế thị trường.

Luật pháp cũng đã định nghĩa "chủ tớ" một cách rõ ràng là người sử dụng lao động và người lao động. Vì vậy, những từ mà chúng ta hay sử dụng như ông chủ, người làm thuê ... chẳng qua là gọi theo thói quen. Người lao động và người chủ lao động bình đẳng như nhau trước pháp luật (cũng như trong xã hội) và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình được ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ quan điểm là: không có lý do gì để chúng ta, khi đứng ở vị trí người lao động lên án “ông chủ” của mình, cũng như khi đứng ở vị trí người sử dụng lao động thì phán xét ngược lại. Nếu chúng ta, cho dù là “chủ” hay “tớ”, nếu cảm thấy bên kia không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, đều có quyền chấm dứt hợp đồng.

Nếu bạn là người lao động, có khả năng tìm được công việc tốt hơn, hay tự tạo được cho mình công việc, hãy làm đi, không “ông chủ” nào ràng buộc bạn phải ở lại. Còn nếu bạn là người sử dụng lao động, có khả năng tìm được người lao động tốt hơn, hãy thay đổi (nhưng lưu ý các điều luật bảo vệ người lao động).

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều được ghi hết trong hợp đồng, để chúng ta có thể cân đong đo đếm một cách chính xác bên kia có vi phạm hợp đồng hay không. Vì vậy, mỗi chúng ta, có thể bằng cảm tính, tự đánh giá cái được và mất của mình (hay nghĩa vụ và quyền lợi của mình) để quyết định có tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động hay không. Với vị trí của người lao động, tôi muốn chia sẻ những cái “được” và “mất” của riêng tôi, có thể có những cái được hay mất mà bạn chưa nhận ra:

1. Được lãnh lương đều đặn ở mức cố định tối thiểu trở lên, được BHXH, BHYT … bất chấp tình hình lãi lỗ của công ty

2. Được cơ hội làm việc mình thích

3. Được nâng cao tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm

4. Được quen biết thêm nhiều người

5. Được thoải mái khi không phải chịu trách nhiệm những thứ không liên quan hoặc những thứ ngoài trách nhiệm

6. Mất thời gian làm việc theo quy định

7. Mất sức khỏe và đôi khi mất tinh thần

………và còn nhiều thứ khác

Nếu như những thứ tôi nghĩ mình sẽ được nhưng lại không được, hay không mất mà lại mất, và cuối cùng là tổng được ít hơn tổng mất quá nhiều, tôi nghĩ mình nên đi tìm một công việc mới.

Với vị trí người sử dụng lao động, tôi muốn gởi đến người lao động rằng:

1. Công ty là một tổ chức hoạt động với mục đích lợi nhuận (trừ các công ty phi lợi nhuận như công ích, từ thiện …).

Vì vậy, các bạn đừng lên án việc công ty chỉ nghĩ về lợi nhuận.

2. Mỗi một vị trí công tác trong công ty, mang lại một lợi ích nhất định trong công ty, chỉ có cấp quản lý cao nhất trong công ty mới đánh giá đúng vai trò của từng vị trí công việc.

Bạn đừng bao giờ phàn nàn rằng anh A làm kém hơn mình lại lương cao hơn mình hay tôi mang về hầu hết hợp đồng cho công ty nhưng thu nhập của tôi lại quá thấp so với lợi nhuận công ty. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, ngoại trừ việc bạn tự so sánh cái được và mất của chính mình.

3. Sức lao động là hàng hóa, người mua mới là người đánh giá món hàng mình mua có giá trị với mình hay không. Và hàng hóa, luôn có cạnh tranh và thay thế. Người mua hàng bao giờ cũng muốn có được hàng tốt giá rẻ.

Bạn đừng bao giờ tự cho mình là “ngôi sao”, hãy để “sếp” của bạn đánh giá bạn là “ngôi sao”. Và cũng đừng bao giờ tự cho mình phải được trả giá cao (lương cao), mà hãy nhìn xem có ai làm được như mình nhưng chấp nhận lương thấp hơn hay không. Có những việc bạn làm được và cho đó là tuyệt vời, là kỳ công của mình, nhưng với người mua thì nó không là gì cả. Ví dụ đơn giản là bạn bỏ mấy ngày ra để mài một thanh sắt thành một cây kim. Chi phí về thời gian và sức lao động của bạn là rất lớn, nhưng người ta không thể trả giá cao hơn 1000 đồng cho cây kim đó, đơn giản vì có người đang bán cây kim họ cần với giá 1000 đồng (sản xuất bằng máy) trên thị trường.

4. Công ty không trả công cho khả năng của bạn, mà là trả công cho công việc và hiệu quả công việc thực tế mà bạn thực hiện.

Nếu bạn biết nhiều thứ, giỏi nhiều thứ, nhưng công ty chỉ cần một trong số đó của bạn cho công việc, họ chỉ trả cho cái họ cần. Vậy để có lương cao, bạn cần tìm một công việc mà bạn có thể sử dụng hết toàn bộ khả năng của mình.

5. Công ty bạn đang làm là nơi đào tạo và tạo ra kinh nghiệm cho bạn. Công ty đã mất nhiều chi phí cho việc đào tạo đó nên lương của bạn có đôi chút ảnh hưởng. Còn những công ty đang săn bạn, họ sẵn sàng trả lương cao hơn vì họ không mất chi phí đạo tạo và họ muốn mua thông tin/bí mật kinh doanh của công ty bạn đang làm, hay thâm hơn nữa là họ muốn đánh sập công ty bạn đang làm bằng cách tạo ra sự thiếu hụt nhân sự.

Bạn cần cảnh giác với những công ty đối thủ khi họ muốn mời bạn sang làm việc.

6. Công ty có những chi phí mà bạn không biết hết được, hay công ty có những rủi ro lớn mà bạn không phải gánh chịu. Vì vậy, công ty phải luôn được phần lớn trong miếng bánh lợi nhuận. Còn bạn, bạn được hưởng những gì theo thỏa thuận (lương, thưởng theo năng suất, thưởng theo doanh số …) chứ không phải chia đều theo đầu người miếng bánh đó.

Đừng nghĩ rằng “ông chủ” chẳng làm gì lại có lợi nhuận, trong khi người lao động chỉ có lương và thưởng.

7. Không có khái niệm ai giỏi hơn trong công ty để được giao việc, mà là ai phù hợp công việc hơn ai theo đánh giá tổng hợp về hiệu quả công việc (lợi ích, chi phí, quan hệ, …)

Đừng nghĩ rằng mình giỏi hơn sẽ được giao việc quan trọng hơn để có được thu nhập cao hơn.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ với bạn rằng, công ty muốn tìm được người phù hợp công việc không phải dễ. Và ngược lại, tìm được cho mình một công việc phù hợp cũng rất khó. Hãy đánh giá thật kỹ trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Võ Việt Lập
Theo Vnexpress

Sand
02-25-2010, 10:29 PM
Đọc xong bài này ... thấy mất ý chí ghê, làm người nhiều khi muốn phát triển thì phải nhìn lên chút, an phận thủ thường những cái ko đáng thì biết đến khi nào mới công thành danh toại?

bichhieu
02-26-2010, 05:58 PM
cái gì cũng có cái giá của nó, nhưn ông bà ta thường nói là "đáng đồng tiền bát gạo".

Hãy xem xét lại bản thân xem giá của sức lao động mình đáng bao nhiêu. Nếu thấy giá quá thấp so vói năng lực thực sự của mình thì mình có thể kiến nghị hoặc chuyển công ty (tuy nhiên khi chuyển công ty thì còn nhiều vấn đề khác nữa mà ta thường gọi là vấn đề chi phí cơ hội).
Nếu thấy giá đó hợp lý thì chẳng có lý do gì phải than phiền. Mà hãy tập trung làm thật tốt công việc của mình thôi.

Sand
02-27-2010, 12:00 PM
Thôi thì tiếp tục 1 câu nói muôn thuở "biết người biết ta, trăm trận trăm thắng" (_ _!) "thắng làm vua, thua làm giặc" biết đúng thì thành, còn biết sai thì công toi ...heheheh