PDA

View Full Version : Câu chuyện khó tin về “ma gà”


anna
01-26-2010, 09:02 PM
Cho tới tận bây giờ tôi cũng chưa biết ma gà là gì, nó như thế nào và tại sao nó hành người ta lâu dài đến thế? Không những người làng tôi, mà cả vùng Tày Nùng đều đồn đại xung quanh chuyện con ma gà. Nó thổi từ tai nọ sang tai kia, từ miệng người này sang miệng người khác. Tin đồn như lửa cháy chôn chảo. Thực hư chả biết. Nhiều người ghê khiếp nó. Nhưng tôi chưa hoàn toàn tin. Mặc dù cũng đôi lần hơi sởn gai ốc.

Họ thường đồn “Nhà kia có cô con gái xinh đẹp nết na, thế nào cũng có ma gà. Nhà ấy làm ăn phát đạt nhanh đến thế, chắc có con ma gà giúp v.v…” Nói tóm lại, những ai “sủi tăm” hơn người một chút là bị gán cho là người có ma gà. Khi không ưa loại người nào đấy, thiên hạ cũng quàng lên cổ người ta hai chữ ma gà. Ma gà như vòng kim cô ở nơi nhạt muối của những người thiếu lòng thiện chí. Cái sự ác tâm đã làm thành lời đồn đại. Tôi nghĩ thế. Không biết có đúng không.

Lời đồn đại ấy vô tình làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Ra đường không dám mở miệng chào ai. Vào làng không dám nhìn trâu bò lợn gà. Không dám khen trẻ nhỏ. Không dám hỏi thăm người già. Khi đi làm đồng hay lên rừng kiếm củi, thường chỉ lẽo đẽo một mình. Không có ai đi cùng. Giữa đường gặp mưa to gió lớn, người có ma gà không dám đứng trú chân. Chỉ sợ người nào nhìn thấy. Người ấy liền réo tên vạch mặt lên cho ông trời nghe. Ông trời lập tức sai thần sét đánh chết. Người có ma gà nhìn vào đâu cũng làm cho muôn vật bị lây nhiễm. Lời nói của họ như phun thuốc độc. Nó sẽ làm héo úa hoa màu cây cối. Làm tiêu tan máu chảy trong người. Trẻ thì biếng ăn. Già thì đau xương mất ngủ. Trâu bò lợn gà bỗng dưng lăn đùng ra chết. Muôn lời đồn thổi cay độc như thế sống sao được nữa. Người có ma gà đành bỏ quê mà đi. Đi tới nơi nào không còn có ai biết tên nhớ mặt. Nhưng đi đâu được? Lời nói gió bay. Gió mang lời đồn thổi chết người ấy đi theo cả ngàn vạn dặm. Người có ma gà buộc lòng ở lại quê nhà. Họ đành chịu đựng âm thầm suốt đời như cái bóng.

Cách đây không lâu. Tôi có người bạn thân, kể một câu chuyện. Theo bạn, đấy là chuyện có thật một trăm phần trăm. Vì chính mắt bạn tôi nhìn thấy. Chuyện thế này: Ngay gần hàng phố Co Xàu, nơi gia đình bạn nhiều năm buôn bán và sinh sống. Có một cháu bé mới lên năm tuổi . Bố mẹ cháu đều là người Kinh, mới từ dưới xuôi lên làm ăn. Cháu không hề biết tiếng Nùng Giang. Tự dưng có một hôm, cháu buột miệng nói tiếng Nùng Giang, nói một cách rõ ràng mạch lạc. Không sai một âm tiết. Ai đứng gần đấy đều trố mắt ngạc nhiên. Nói xong nó chạy. Vừa chạy cháu vừa bảo: “Tôi phải về nhà ngay với bố mẹ. Bố mẹ chờ tôi đã năm năm rồi”. Người bố vội vàng chạy theo để giữ con mình lại. Chạy vòng vèo từ nhà đến Kéo Lồm. Từ Kéo Lồm lại về Phja Phủ. Hai bố con chạy đuổi nhau gần hết cả buổi sáng mà không tài nào bắt kịp.

Bạn có tin không? Một người đàn ông hoàn toàn khỏe mạnh, thế mà chạy không nhanh bằng một đứa bé năm tuổi. Con bé chạy như chân không bén đất. Nó thoắt ẩn thoắt hiện. Lúc thấy lúc không. Người bố thở không ra hơi. Nói không thành lời. Nhưng nỗi sợ mất con làm ông gắng sức hết sức mình chạy đuổi theo, thế rồi đành bất lực đứng nhìn con gái. Con bé chạy hầu như không thở. Chỉ thấy bóng lướt qua cái bóng. Một lúc sau, bỗng thấy nó đổ gục ngay trước cửa nhà mình. Cháu hộc lên một tiếng. Máu tràn ra đằng miệng. Một vũng máu đỏ lòm to bằng miệng nón. Mọi người hàng phố cùng ào xông đến, bế người cháu lên. Thì trời ơi! Cháu đã…

Nhà của người Nùng (Cao Bằng)

Mỗi khi được nghỉ, tôi hay về thăm quê. Cũng câu chuyện này, tôi đã được nghe mọi người kể lại. Nhưng tôi để ngoài tai. Bởi đã có nhiều chuyện mà người dân quê tôi hay thêu dệt, khi đi làm đồng hay những lúc nhàn rỗi. Mục đích chính chỉ làm tiêu tan mọi cơn mỏi mệt. Hoặc góp vui cho nhiều người cùng cười. Cười lên cho sướng tai mát bụng. Đơn giản vậy thôi. Có nhiều chuyện mà hồi xưa bố tôi kể còn ly kỳ rùng rợn hơn nhiều. Tôi đã quá quen với môi trường sống pac lep (nói phét) này rồi. Nhưng đến lượt bạn tôi - một người mà ngay từ nhỏ đã có thói quen sống cực kỳ nghiêm túc và mực thước - thì tôi mới thực sự giật mình.

Chuyện này khiến ruột gan tôi bỗng như có kiến cắn. Hồi còn là học sinh trung học, tôi có một người bạn trai, nhà ở tận Lũng Đính thuộc xã Đình Phong. Bạn ấy học giỏi nức tiếng. Trong một cơn mơ, bạn đã giải trình xong bài toán vì sao pi bằng ba phảy mười bốn. Nhưng sau đó thì nghe đồn là nhà bạn ấy có chuyện như vậy. Mãi về sau này, và ngay cả bây giờ, tôi thấy đời sống của bạn tôi bình thường như mọi người khác. Mọi chuyện đồn đại hình như đã lắng xuống. Khi mà gia đình bạn ấm êm hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái trưởng thành, có nhà riêng năm tầng mặt phố chính. Nghe đâu bạn tôi sắp được điều ra tỉnh để phụ trách một ngành lớn và quan trọng. Tôi thực sự mừng cho bạn.

Cổ nhân nói: “Nhân cường (thì) mà nhược”. Tôi tin điều này hơn câu chuyện mà bạn tôi vừa kể. Một cơ thể sống khỏe mạnh. Khỏe mạnh về mọi phương diện thì không thể nào người ấy có ma gà. Một gia đình hạnh phúc, con cái đề huề giỏi giang, làm ăn năm sau phát đạt hơn năm trước, dứt khoát gia đình ấy không thể có ma gà. Người đời vì ghen ăn tức ở, có muốn đồn thổi mặc sức mà đồn thổi. Có như thế mới gọi là thói đời.

Theo Vietimes

longvu
01-26-2010, 10:12 PM
Đọc xong rùi cũng chẳng hiểu ma gà là loại ma gì hết à!!!

meomuop_meomeomeo
01-26-2010, 10:18 PM
Vớ vẩn!

girlvampire
01-27-2010, 08:06 AM
Câu chuyện nghe thì có vẻ rất khó tin nhưng mình vẫn tin , đây không phải là mê tín , mà chỉ là những hiện tượng lạ mà khoa học chưa thể chứng minh được ! ( ông bố đuổi đứa con )

Còn về khoản " ma gà " thì chỉ là 1 cái tên mà người dân nơi đó gán ghép cho 1 gia đình nào đó khiến mọi người đều xa lánh họ , nhưng thực chất làm gì có " ma gà " ! ^_^